Cục trưởng Cục chăn nuôi: Có gian lận trong hỗ trợ tiêu hủy heo nhưng con số không quá lớn
Thiệt hại 338.000 tấn thịt
Tại buổi Tọa đàm phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam thiệt hại 338.000 tấn thịt heo do chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ông Dương cho biết trước tháng 7, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những hộ phải tiêu hủy heo theo giá heo hơi trên thị trường.
Tuy nhiên, sau tháng 7, việc hỗ trợ được tính theo giá thành do qui mô thiệt hại quá lớn và tránh việc các địa phương báo giá thị trường khác nhau, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch và phát sinh thêm chi phí.
"Số tiền thiệt hại rất lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể và đầy đủ về số tiền thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra là bao nhiêu", ông Dương nói.
Không thể tránh khỏi việc sai sót, gian lận trong quá trình hỗ trợ tiêu hủy heo
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ tiêu hủy heo nhiễm bệnh, ông Dương cho biết ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương đã thành lập ban hỗ trợ tiêu hủy chứ không thể tùy tiện một người làm việc này.
Trong ban tiêu hủy sẽ có các cơ quan như tài chính, công an, môi trường, quản lí thị trường.
Theo đó, sau khi cân heo tiêu hủy, các cơ quan chức năng sẽ treo giấy kết quả tại các khu vực công cộng như nhà văn hóa, đội, xóm để mọi người theo dõi xem có hiện tượng gian dối không.
Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận rằng với số lượng heo chết lên tới hàng triệu con thì việc sai sót, gian lận không thể tránh khỏi.
"Thế nhưng con số này không quá lớn", ông Dương khẳng định.
Ông Phạm Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thành phố đã chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi.
"Cách đây hơn một tháng chúng tôi đã chủ động thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra thủ tục phòng chống dịch ở các địa phương. Kết quả là chưa có vấn đề gì trong việc gian lận trong quá trình hỗ trợ tiêu hủy heo", ông Đăng chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay đã phát hiện một số hộ tái đàn khi dịch chưa hết 30 ngày và đã nhiễm dịch trở lại. Những hộ này không được hỗ trợ tiêu lần hai và đồng thời bị phạt tiền.
"Có 3 hộ đã bị phạt với số tiền 27 triệu đồng. Tới đây, thành phố sẽ thành lập ban kiểm tra 20 - 30 xã về thủ tục phòng chống dịch tả heo châu Phi. Nếu phát hiện sai sót, chúng tôi sẽ xử phạt", ông Đăng nói.
Dịch tả heo châu Phi - Áp lực để tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Theo ông Dương dịch tả heo châu Phi không phải cơ hội mà là áp lực và mệnh lệnh để ngành chăn nuôi tái cơ cấu phương thức chăn nuôi.
"Sẽ không còn chăn nuôi nhỏ lẻ nữa mà sẽ chỉ có trang trại chuyên nghiệp và doanh nghiệp đủ khả năng kiểm soát an toàn sinh học.
Chỉ có làm như vậy mới có thể chăn nuôi bền vững bởi chúng ta không thể chờ đợi vắc-xin khi 28 năm qua vẫn chưa nghiên cứu được", ông Dương nói.
Ngoài ra Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng chỉ ra cần phải chăn nuôi theo chuỗi. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có những tín hiệu về thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp số liệu về sản xuất. Doanh nghiệp sẽ là đơn vị quyết định nuôi bao nhiêu.
"Chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ tránh được hiện tượng thương lái ép giá, đồng thời đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh", ông Dương nói.
Ông Đăng cho hay việc tái cơ cấu vẫn đang thực hiện 5 - 6 năm qua, phù hợp với từng vùng.
"Nếu không tái cơ cấu sẽ vẫn nuôi theo kiểu tự do. Qua đợt dịch này các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm và các trang trại, gia trại sẽ tăng lên", ông Đăng nói.