Cục nợ xấu nghìn tỉ 'một tròng hai cổ' tại VietinBank: Thế khó người bảo lãnh Tisco vay, vừa hỗ trợ vừa cầm vật để... làm tin
Khoản nợ 'một tròng hai cổ' hàng nghìn tỉ đồng hình thành khi VNSteel bảo lãnh cho Tisco vay vốn tại VietinBank. Ảnh: Phan Quân, Đồ họa: Alex Chu.
Khoản nợ "một tròng hai cổ" hình thành khi VNSteel bảo lãnh cho Tisco vay vốn nghìn tỉ tại VietinBank
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel, Mã: TVN) được tổ chức hôm 11/6, một lần nữa câu chuyện thoái vốn tại công ty thành viên là Gang thép Thái Nguyên (Tisco, Mã: TIS) làm nóng không khí hội trường.
Câu chuyện trở nên đáng quan tâm hơn khi Tisco là cục nợ xấu hàng nghìn tỉ đồng của các ngân hàng với yếu kém tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 ở Gang thép Thái Nguyên.
Theo đó, dự án này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công thương. Liên quan đến sai phạm tại dự án này, hai cựu lãnh đạo của VNSteel đã vướng lao lý. Ngày 18/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố bị can với ông Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNSteel), ông Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc) về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Trở lại câu chuyện thoái vốn tại Tisco, nơi VNSteel đang nắm giữ 42,11% vốn điều lệ. Theo phương án phê duyệt, VNSteel sẽ hạ sở hữu xuống còn 21,5%. Tuy nhiên, việc thoái vốn hiện vẫn chưa thực hiện được do liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh của VNSteel cho Tisco với khoản vay hàng nghìn tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank - Mã: CTG).
Nói rõ thêm về nghĩa vụ bảo lãnh, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT VNSteel, khi thực hiện dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư có kí hợp đồng tín dụng VietinBank tài trợ vốn là 1.840 tỉ đồng vào năm 2010. Điều kiện để ngân hàng có thể triển khai hợp đồng tín dụng cho dự án, Tổng công ty đã có văn bản số 73 ngày 22/1/2010, cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong quá trình thực hiện, việc giải ngân vốn tại VietinBank của dự án là 1.600 tỉ đồng.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính Tisco, khoản vay dài hạn liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tại VietinBank Chi nhánh Hà Nội là 1.895 tỉ đồng, gồm hai hợp đồng tín dụng kí ngày 25/1/2010.
Khoản vay của Tisco tại VietinBank ghi nhận tại thời điểm 31/12/2018. Nguồn: BCTC Tisco
VietinBank không tháo nghĩa vụ bảo lãnh, VNSteel yêu cầu Tisco thế chấp mỏ than và mỏ sắt để… làm tin
Thực hiện Quyết định 1468 của Chính phủ về xử lý tồn tại 12 dự án doanh nghiệp tồn tại yếu kém của ngành Công thương, đối với dự án Gang thép Thái Nguyên, VNSteel sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ. Một là, giải quyết dứt điểm đối với nhà thầu EPC. Thứ hai là thực hiện thoái vốn Nhà nước, tức vốn của TCT Thép tại Tisco.
"Để triển khai quá trình thoái vốn thì VNSteel đã rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, trong đó có tồn tại nghĩa vụ bảo lãnh dự án tại VietinBank.
Chúng tôi đã là việc với VietinBank trong hai năm vừa qua, từ khi có quyết định 1468 vào ngày 29/9/2017. Sau nhiều lần làm việc, kết quả hiện nay khả năng VietinBank không tháo nghĩa vụ bảo lãnh cho. Chúng tôi đã báo cáo tồn tại này cho ban chỉ đạo Bộ công thương về việc khó khăn trong tháo nghĩa vụ bảo lãnh", vị Chủ tịch VNSteel cho biết.
Để giảm thiểu rủi ro tối đa cho VNSteel khi thoái vốn Tisco, Tổng Công ty đã yêu cầu Tisco thế chấp hai tản sản gồm quyền khai thác mỏ than Phấn Mễ và quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ.
Hiện nay, thủ tục kí hợp đồng thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện. VNSteel đã được đăng ký giao dịch bảo đảm đối với một tài sản thế chấp, ông Đa cho biết thêm.
Nói thêm về kế hoạch thoái vốn Tisco, Chủ tịch VNSteel cho biết đã báo cáo với Ban chỉ đạo xử lý dự án yếu kém ngành Công thương. Gần đây nhất, Ban chỉ đạo đã có thông báo về cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kí yêu cầu VNSteel xây dựng kế hoạch thoái vốn trong hai trường hợp. Trong phương án thứ nhất, một là giải quyết dứt điểm với nhà thầu EPC, hai là giải phóng nghĩa vụ bão lãnh. Phương án thứ hai là không thực hiện được cả hai việc trên.
"Chúng tôi sẽ xây dựng phương án sớm sau kì đại hội này và báo cáo SCIC. Sau đó, SCIC báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước để trình lên Ban chỉ đạo quyết định sớm phương án thoái vốn. Chúng tôi hi vọng có thể thực hiện sớm việc thoái vốn tại Tisco", Chủ tịch Nghiêm Xuân Đa trả lời.
Đến đây có thể thấy, việc VNSteel thoái vốn Tisco chỉ mới là xây dựng phương án, chưa có dấu hiệu rõ ràng để đi đến kết quả.
Mỏ sắt Tiến Bộ được VNSteel dùng "làm tin" cho việc bảo lãnh khoản vay hàng nghìn tỉ đồng của Tisco tại Ngân hàng VietinBank. Ảnh: Văn Hiến
VietinBank bán nợ tại Tisco cho VAMC, cửa tiếp cận vốn hẹp lại
Thế "một tròng hai cổ" của khoản nợ nghìn tỉ đồng tại VietinBank đang gây khó khăn cho VNSteel thoái vốn. Đối với Tisco, việc quá hạn khoản vay tại VietinBank cũng là rào cản để đơn vị này tiếp cận vốn.
Nói rõ hơn về vấn đề này, theo Chủ tịch VNSteel, năm 2019, VietinBank đã bán nợ cho vay Tisco cho VAMC, như vậy Tisco khả năng đối mặt với việc chuyển hoá nợ sang nhóm 5. Tình hình dư nợ hiện nay, Gang thép Thái Nguyên đang có hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng gồm VietinBank, MBbank, BID và INDOVINA. Hiện, Tisco duy trì khoảng 10.600 đến 10.800 tỉ đồng dư nợ. Việc VietinBank chuyển nhóm nợ gây khó khăn lớn cho Gang thép Thái Nguyên trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp khác kèm theo chi phí vốn vay cũng tăng lên.
Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của VNSteel vào đầu tháng 1 năm nay, người viết từng chứng kiến việc đại diện Tisco nói về khó khăn về vốn, "Không ngân hàng cho Tisco vay thêm".
Cũng tại sự kiện này, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc VNSteel cho biết, "Nếu Tisco không thể tiếp cận vốn thì chắc chắn ra Tết, Tisco sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến hơn 4.300 nhân công của công ty".
Hé lộ khoản vay 600 tỉ đồng từ Ngân hàng Quốc Dân (NCB)
Với tư cách là cổ lớn, VNSteel đã có những giải pháp hỗ trợ. Thứ nhất, Tổng công ty có báo cáo lên Bộ Công thương và gửi đề nghị lên Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay vốn.
Việc cho vay vốn sẽ tách các khoản vay ra, đối với cho vay dự án cộng lại tức là báo cáo Chính phủ khoanh lại, còn cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh thì vay bình thường, Chủ tịch VNSteel cho biết thông tin tại đại hội.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT VNSteel chia sẻ thông tin về Tisco tại đại hội: Ảnh: Phan Quân
"Mới đây nhất (ngày 10/6 - PV), Thống đốc NHNN đã có văn bản báo cáo Chính phủ để giải quyết việc. Chúng tôi cũng sẽ tích cực bám sát chỉ đạo của NHNN, của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vốn cho Giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
"Chúng tôi chỉ đạo Gang thép Thái Nguyên tiếp tục khai thác các nguồn khác. Hiện đang giao dịch với Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cơ bản Gang thép Thái Nguyên đã có những giải pháp. Ngân hàng Quốc Dân đã đồng ý cho vay 600 tỉ đồng trên cơ sở bảo đảm bằng hàng hoá. Hôm nay (11/6 – PV), tại Gang thép Thái Nguyên, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc sẽ có buổi làm việc với Ngân hàng để vay 600 tỉ đồng", vị Chủ tịch VNSteel bật mí thông tin.
Ngoài ra, về biện pháp hỗ trợ, VNSteel chỉ đạo các bộ phận đơn vị trong hệ thống, ngoài chuyện tín dụng, trong hệ thống cung cấp gián tiếp tín dụng thông qua cung cấp nguyên liệu, phôi.
Quý đầu năm nay, doanh thu bán hàng của Tisco cải thiện nhẹ 6% so với quý I/2018, đạt 2.810 tỉ đồng; nhưng giá vốn hàng bán tăng cao đi cùng các loại chi phí giảm không đáng kể khiến kết quả kinh doanh của công ty kém khởi sắc so với cùng kì. Kết quả là lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm hơn 30% đạt 8,2 tỉ đồng.