Phó TGĐ Vnsteel làm Chủ tịch Tisco
Sáng ngày 10/4, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Đại hội năm nay miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2014 – 2019, đồng thời bầu cử thành viên nhiệm kỳ mới.
Qua biểu quyết, hội đồng cổ đông thống nhất bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm:
Ông Phạm Công Thảo, hiện là Phó TGĐ Tổng công ty Thép Việt Nam (đại diện 27,5 triệu cổ phiếu Vnsteel).
Ông Lê Hồng Khuê, hiện là Phó TGĐ CTCP Thương mại Thái Hưng (đại diện 22,6 triệu cổ phần của Thái Hưng).
Ông Lê Thành Thực hiện, là Phó TGĐ CTCP Thương mại Thái Hưng (đại diện 14,2 triệu cổ phần của Thái Hưng).
Ông Hoàng Ngọc Diệp, hiện là trưởng BKS Tổng công ty Thép Việt Nam (đại diện 21,53 triệu cổ phiếu của Vnsteel).
Ông Nguyễn Minh Hạnh, thành viên HĐQT Tisco nhiệm kỳ cũ, Phó TGĐ (đại diện 21,53 triệu cổ phiếu của Vnsteel).
Ông Trần Tuấn Dũng, hiện là trưởng BKS Tổng công ty Thép Việt Nam (đại diện 21,53 triệu cổ phiếu của Vnsteel).
Ông Lê Minh Tú, hiện là Trưởng ban Kế hoạch thị trường Vnsteel, thành viên HĐQT Tisco (đại diện 21,53 triệu cổ phiếu của Vnsteel).
Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới của Tisco có sự góp mặt của hai thành viên đến từ Thái Hưng
Bầu 5 thành viên vào BKS gồm:
Ông Trần Anh Dũng, Trưởng BKS Tisco nhiệm kỳ cũ.
Bà Nguyễn Lan Hương, ủy viên BKS Tisco nhiệm kỳ cũ.
Ông Trần Quốc Việt, chuyên viên ban tài chính kế toán Vnsteel.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Phó ban pháp chế CTCP Thương mại Thái Hưng.
Ông Bùi Quang Hưng, chuyên viên kiểm toán, ban quản lý dự án – CTCP Thương mại Thái Hưng.
Phiên họp HĐQT và BKS lần đầu tiên bầu ông Phạm Công Thảo giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Trần Anh Dũng là trưởng BKS.
Tisco có tân Chủ tịch HĐQT
Theo tài liệu họp, hội đồng quản trị công ty (HĐQT) cho biết, sau sự kiện SCIC rút vốn 1.000 tỉ đồng cuối tháng 4/2017, các chỉ tiêu tài chính của Tisco lập tức xấu đi, các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đánh giá khả năng tài chính của Tisco thấp.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa có phương hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm khiến cho Tisco khó khăn trong việc cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính tăng cao.
"Đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của công ty lâm vào trình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang là hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền", báo cáo của HĐQT nêu.
Mặt khác, năm 2018 việc giá các mặt hàng thép giảm, thép nhập khẩu giá rẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nguồn cung trong nước gia tăng, cạnh tranh gay gắt cũng khiến Tisco gặp không ít khó khăn.
Năm 2018, Tisco đạt 10.935 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 12%; tuy nhiên công ty chỉ lãi sau thuế 29 tỉ đồng, giảm 71% so với năm 2017.
Tổng tài sản cuối kỳ đạt 10.573 tỉ đồng, trong đó giá trị tồn kho trên 2.400 tỉ đồng, giá trị xây dựng dở dang (chủ yếu dự án Gang thép thái nguyên 2) vượt mức 5.100 tỉ đồng.
Nợ vay ngắn hạn cuối kỳ 2.914 tỉ đồng, tăng hơn 600 tỉ đồng so với đầu năm 2018; ngược lại vay nợ dài hạn giảm hơn 460 tỉ đồng xuống còn 2.800 tỉ đồng; tổng nợ hơn 5.700 tỉ đồng.
Riêng đối với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dư nợ vay ngắn dài hạn cuối kỳ gần 3.031 tỉ đồng; trong đó 1.137 tỉ đồng từ BIDV Thái Nguyên và 1.895 tỉ đồng của VietinBank Hà Nội.