|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cục Hàng không kiến nghị cho phép các hãng tăng gấp đội tàu bay, đáp ứng nhu cầu phục hồi

13:42 | 07/01/2023
Chia sẻ
Tổng số tàu bay mà 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines) đang khai thác hiện nay thấp hơn so với thời điểm tháng 1/2020 khi COVID-19 chưa bùng phát.

Một tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines. (Ảnh: Song Ngọc).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép các hãng hàng không nước ta thực hiện ngay việc bổ sung đội tàu bay chở khách để đáp ứng nhu cầu khai thác trong giai đoạn Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.

Theo kiến nghị, thị trường hàng không thế giới đang dần hồi phục, kéo theo nhu cầu sử dụng tàu bay tăng và đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường cho thuê tàu bay thế giới.

Việc cho phép các hãng hàng không Việt Nam bổ sung đội tàu bay vào thời điểm này có thể giúp các hãng có điều kiện thuê được tàu bay với chi phí hợp lý cũng như thực hiện được đúng các kế hoạch nhận tàu bay theo các thỏa thuận mua tàu bay đã ký kết, tránh bị phạt vì vi phạm hợp đồng.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cũng như đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường quốc tế, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép các hãng hàng không Việt Nam thực hiện ngay việc bổ sung đội tàu bay chở khách để đáp ứng nhu cầu khai thác trong giai đoạn Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 với số lượng tàu bay không vượt quá thời điểm tháng 1/2020 (234 chiếc).

Đồng thời, Cục Hàng không kiến nghị Bộ xem xét việc cho phép các hãng bổ sung thêm tàu bay khai thác trong năm 2023 với số lượng lớn hơn thời điểm tháng 1/2020 trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác và bảo dưỡng của bản thân hãng hàng không và năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay của Cục Hàng không.

Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 225 tàu bay, ít hơn thời điểm trước dịch. (Ảnh minh họa: Đức Quyền).

Tổng số tàu bay mà 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines bao gồm Vasco, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines) đang khai thác là 225 chiếc, trong khi thời điểm tháng 1/2020 là 234 chiếc. Trong số 225 tàu bay nêu trên, số sẵn sàng khai thác là 190 chiếc, đang thực hiện bảo dưỡng 12 chiếc và đang bảo quản dừng bay 23 chiếc. 

Theo tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam, trung bình một đầu tàu bay vận chuyển 250.000 khách mỗi năm. Với dự báo thị trường nội địa năm 2023 đạt 45,5 triệu khách thì số lượng tàu bay cho riêng thị trường nội địa là 182 chiếc.

Đối với thị trường quốc tế, trên cơ sở thị phần mục tiêu 42%, dự kiến các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển khoảng 13,6 triệu khách, tương đương với 57 tàu bay. Nhu cầu về tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ là từ 230 tàu bay cho các tháng đầu năm, tăng dần theo hàng tháng cho đến 250 tàu bay vào các tháng cuối năm. 

 

Thị trường Trung Quốc mở cửa sau ba năm phong tỏa, cơ hội cho hàng không Việt Nam

Hôm 6/1 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận được thư của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo về việc Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc; công văn của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông báo các điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1/2023.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp với đại diện các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines) về kế hoạch khai thác đến Trung Quốc.

Trong giai đoạn đầu khôi phục hoàn toàn các đường bay tới Trung Quốc, cụ thể là Lịch bay Mùa Hè 2023 (26/3 - 28/10), việc duy trì khai thác với tần suất như giai đoạn trước dịch để giữ được slot lịch sử cho Mùa Hè 2024 là bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.

Hơn nữa, Cục Hàng không Trung Quốc có nêu việc sử dụng slot để duy trì slot lịch sử sẽ dựa trên cơ sở có đi có lại, nhưng chưa nêu nguyên tắc cụ thể. Vì vậy, các hãng hàng không Việt Nam kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để có chính sách nới lỏng các quy định về sử dụng slot cho Lịch bay mùa Hè 2023 trên cơ sở có đi có lại, áp dụng cho các hãng hàng không cả hai nước.

Ngoài ra, nguồn khách giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là khách du lịch, do đó chính sách visa (thị thực) của hai nước đối với xuất nhập cảnh với mục đích du lịch là rất quan trọng.

Do vậy, để tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển thị trường hàng không - du lịch giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các bộ, ngành liên quan đề nghị có chính sách visa phù hợp đối với khách du lịch Trung Quốc.

Năm 2019, tức là trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của hàng không Việt Nam, chiếm tỷ trọng 34,5%. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai với tỷ trọng 25,5%.

Gần 2.800 chuyến bay dịp Tết Dương lịch, Vietjet và Vietnam Airlines chiếm 3/4

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong đợt cao điểm Tết Dương lịch 2023 vừa qua (ba ngày từ 31/12 đến 2/1), các hãng hàng không đã khai thác 2.755 chuyến bay với cất cánh tỷ lệ đúng giờ đạt 95,9%. Tổng cộng có 113 chuyến cất cánh chậm, không có chuyến nào bị hủy.

Vietnam Airlines dẫn đầu với 1.031 chuyến bay trong ba ngày, Vietjet bám sát phía sau với 1.006 chuyến. Riêng hai hãng hàng không lớn nhất nước này đã chiếm 3/4 số chuyến bay toàn ngành dịp Tết Dương lịch 2023. Cả hai hãng cùng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ 96,2%, cao hơn trung bình ngành.

Bamboo Airways khai thác 442 chuyến. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ đạt 94,6%, thấp hơn Vietnam Airlines, Vietjet Air và trung bình toàn ngành.

Các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 2.755 chuyến bay với cất cánh tỷ lệ đúng giờ 95,9% trong ba ngày 31/12/2022 - 2/1/2023.

Đức Quyền