|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cửa hàng tiện lợi Nhật Bản hụt hơn trước đối thủ Hàn Quốc ở thị trường Đông Nam Á

08:01 | 31/05/2022
Chia sẻ
Lợi thế đi trước của các chuỗi cửa hàng Nhật Bản không còn đủ để bảo vệ thị phần tại Đông Nam Á.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đang đẩy mạnh mở rộng tại thị trường Đông Nam Á. Động thái này mang đến một mối đe doạ đối với các đối thủ đến từ Nhật Bản vốn xuất hiện tại Đông Nam Á sớm hơn song lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì vị thế của mình, theo Nikkei.

 Một cửa hàng GS25 tại TP.HCM. (Ảnh: Nikkei).

GS Retail, chuỗi cửa hàng tiện lợi vào Việt Nam vào năm 2018, hiện đã có 160 cửa hàng và đang đặt mục tiêu nâng con số này lên 260 vào cuối năm nay. Trong khi đó, đối thủ Nhật Bản FamilyMart hiện chỉ có khoảng 150 cửa hàng dù có mặt tại Việt Nam sớm hơn tới gần một thập niên. Năm ngoái, các công ty Hàn Quốc như BGF Retail hay E-Mart đều mở những cửa hàng đầu tiên của mình tại Malaysia.

Mặc dù bán lẻ tại Việt Nam có dấu hiệu chậm lại do đại dịch, hoạt động trong mảng này đang dần hồi phục để tận dụng nhu cầu tiêu dùng được dự đoán sẽ bùng nổ tại đây.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng được hưởng lợi từ sự phổ biến của văn hoá nước này, một phần thông qua K-pop hay các bộ phim Hàn Quốc, đối với người trẻ. Hiện tại, Việt Nam cũng là “cứ điểm” sản xuất chính của Samsung. Theo ước tính, khoảng trên dưới 200.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam.

Bên cạnh Việt Nam, các chuỗi cửa hàng Hàn Quốc cũng nhìn nhận Đông Nam Á, một khu vực có dân số tương đối trẻ, là một thay thế tiềm năng cho thị trường nội địa vốn đang dần bão hoà.

Kể từ năm 2016, doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã giảm khoảng 0,9% mỗi năm. Doanh số hàng ngày tại mỗi cửa hàng trung bình chỉ đạt trên 1.000 USD, dưới sự cạnh tranh ngày càng lớn. Con số này khiêm tốn hơn nhiều so với mức doanh số hàng ngày đạt từ 4.000 USD – 5.000 USD của các cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản. Các chủ cửa hàng và các đơn vị vận hành chuỗi đều đang vật vã tìm kiếm lợi nhuận.

Nhiều “tay chơi” ở mảng bán lẻ Nhật Bản nói rằng các chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đang cố gắng chiếm lấy miếng bánh thị phần tại Đông Nam Á mà không quá quan tâm đến vấn đề lợi nhuận. Dù vậy, thị trường này vẫn rất quan trọng đối với các chuỗi Nhật Bản khi chúng cũng đang phải đối mặt với tăng trưởng đi ngang tại quê nhà. Thực tế, tốc độ mở thêm cửa hàng của ba chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản là Seven & i Holdings, FamilyMart và Lawson chỉ còn 1/10 thời điểm đỉnh cao.

Các công ty Nhật Bản vào Đông Nam Á từ sớm và có những lợi thế lớn so với các đối thủ Hàn Quốc đều đang tụt lại phía sau.

Ministop đã bán cổ phần trong một liên doanh của mình tại Philippines cho đối tác trong năm nay và rút khỏi thị trường này. Từng là một thương hiệu cửa hàng tiện lợi hàng đầu, Ministop đã quá chậm trễ trong việc thay đổi để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Đối tác cũ của Ministop là Robinsons Supermarket đang lên kế hoạch thay đổi thương hiệu để vực dậy tình hình hoạt động của chuỗi.

FamilyMart đang hạn chế việc mở mới cửa hàng tại Việt Nam trong bối cảnh chi phí nhân công và chi phí thuê gia tăng. Trong khi đó, BGF Retail, công ty từng hợp tác với FamilyMart và phát triển thương hiệu Nhật này tại Hàn Quốc, lại nổi lên như một đối thủ.

Công ty Hàn Quốc này đã chấm dứt thoả thuận hợp tác và đang mở nhiều cửa hàng dưới thương hiệu riêng là CU tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia.

Các công ty cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thường không gặp nhiều thuận lợi khi thành lập liên doanh với các đối tác địa phương tại Đông Nam Á, một phần vì các yếu tố như điều khoản hợp đồng bất lợi hay các điều khoản hạn chế khiến khó có thể tận dụng được tất cả các kinh nghiệm của họ.

Dù vậy, các công ty Nhật Bản sẽ không thể ngồi yên trước làn sóng cạnh tranh từ Hàn Quốc. FamilyMart đang ở một nhà máy mới ở Malaysia để sản xuất ngành hàng thực phẩm chế biến. FamilyMart đặt mục tiêu tăng số lưởng cửa hàng ở đây lên con số 1.000 vào năm 2026 từ con số 280 cửa hàng hiện tại. Bên cạnh đó, FamilyMart cũng đang cân nhắc mở rộng tại Việt Nam.

Ministop hợp tác cùng các công ty như Grab ở Việt Nam để cung cấp dịch vụ giao hàng. Ngoài ra, nó cũng thử nghiệm một số cách bài trí cửa hàng mới với mặt hàng đa dạng hơn gồm thực phẩm tươi sống và ẩm thực địa phương.

Các nhà sản xuất Nhật Bản có mặt từ rất lâu ở Đông Nam Á đang mất dần vị thế vào tay của các công ty đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan. Các cửa hàng tiện lợi cũng có thể đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự, Nikkei nhận định.

Nam Khánh