Cú sốc đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của kỹ sư đoạt giải thưởng 'Nhân tài đất Việt'
Chào đời năm 1981, Nguyễn Đình Nam là con của hai giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lương của giảng viên hồi ấy thấp nên người cha mở dịch vụ sửa chữa đồ điện tử để kiếm, trồng hoa, cây cảnh để kiếm thêm tiền.
Cha của Nam từng sang Hà Lan vào năm 1985 để học về khoa học máy tính. Vì thế, Nam có điều kiện tiếp xúc máy tính từ nhỏ. Anh sử dụng máy tính ở nhà cùng giáo trình của cha để học lập trình. Vì không có bạn để chơi cùng, Nam nghĩ ra cách lập trình để máy tính tự chơi game cùng anh. Năm 15 tuổi, anh đoạt một giải tin học cấp thành phố. Lên cấp ba, anh học khối chuyên Toán -Tin của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Năm 1993, anh đoạt giải nhì quốc gia môn Tin học.
Nguyễn Đình Nam học lập trình và cờ vua từ rất sớm, đạt nhiều thành tích lớn. |
Vào đại học Khoa học tự nhiên, Nam chọn khoa Công nghệ thông tin. Nhưng ngay từ năm đầu anh đã đủ khả năng để làm thêm ở công ty VASC (VNPT). Sau đó anh làm các công việc tự do (freelance) từ xa qua mạng cho các công ty nhỏ ở nước ngoài.
Mê nhạc rock nên ngay từ thời sinh viên, Nam đã dành tiền để nuôi câu lạc bộ nhạc rock Hà Nội do anh thành lập trên mạng từ 12/1999. Câu lạc bộ không đông, chỉ vài trăm thành viên, luôn hoạt động thua lỗ, nhưng cũng đem lại cho Nam nhiều kiến thức về lãnh đạo và kinh doanh trong tương lai.
Hành trình khởi nghiệp với tập đoàn FPT
Sau khi tốt nghiệp, Nam làm theo hợp đồng với Đại Học Công Nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian ngắn, rồi nhận các hợp đồng làm phần mềm cho nhiều công ty và tổ chức phi chính phủ khác nhau. Năm 2005 Nam đoạt giải khuyến khích cuộc thi Trí tuệ Việt Nam cho phần mềm Routeskeeper và FPT đầu tư cho phần mềm này từ 2/2006. Đây là một cột mốc quan trọng vì qua đó Nam hấp thu một phần kỹ năng quản trị của FPT.
Với nguồn vốn từ FPT, Nam tập trung “cứng hóa” phần mềm để tối ưu về mặt thương mại, nên anh dấn thân vào lĩnh vực điện tử.
“Điều đáng tiếc là tôi không có thầy kèm chặt để chỉ bảo nên điều hành sai loạn xạ, cả tổ chức rối tung. Khi sản phẩm chính vẫn đang làm chưa xong, tôi đã phân tán nguồn lực bằng cách mở thêm bộ phận làm phần mềm nguồn mở chung. Mô hình kinh doanh này không phù hợp thực tế. Tôi còn bỏ công sức hỗ trợ phong trào nguồn mở, một hoạt động đáng ra chỉ nên làm khi sự nghiệp đã rất ổn định”, Nam tâm sự.
Nguyễn Đình Nam (người thứ ba từ bên phải) trong lễ trao giải "Nhân tài đất Việt" năm 2011. |
Đến 2007, trước ngưỡng khủng hoảng tài chính thế giới, FPT cắt nhiều dự án chưa đem lại hiệu quả, bao gồm FPT Routeskeeper. Đối với Nam, đó là một lần phá sản. Nhờ sự động viên của ông Nguyễn Thành Nam, anh chuyển sang làm bán thời gian hai năm tại FPT Software ở vị trí trưởng phòng phát triển công nghệ.
Ngoài việc làm mới ở FPT Software, Nam thành lập công ty VNComputing vào 2008 để thương mại hóa sản phẩm Routeskeeper mà anh đang phát triển dang dở. Khi bắt đầu lập công ty, tiềm lực tài chính của Nam rất yếu. Anh thuê một phòng nhỏ trong một ngách nhỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh. Ban đầu công ty chỉ đủ quỹ lương để trả cho một nhân viên là Hồ Ngọc Quang, một cử nhân vừa tốt nghiệp Đại học Vinh. Quang đồng hành cùng anh từ đó đến nay.
Ban đầu Nam tự bỏ vốn và điều hành công ty. Sau đó anh thuyết phục những người quen, bạn bè góp vốn. Tổng cộng 14 người đã góp khoản tiền khoảng một tỷ đồng cho công ty, nhưng không ai điều hành. Hiện nay 3/4 cổ đông vẫn giữ cổ phiếu.
“Những người đã bán cổ phiếu của công ty đều thu lợi nhuận gấp mười mấy lần so với số vốn ban đầu”, Nam khẳng định.
Vì quỹ lương eo hẹp, Nam không thể tuyển những người giỏi nhất. Thậm chí giữ chân những người “giỏi vừa” cũng là việc khó khăn. Khoảng 75% nhân sự mà Nam tuyển đến với công ty nhờ sự giới thiệu của người quen.
May mắn thay, một người giỏi cả chuyên môn kỹ thuật lẫn kỹ năng mềm đã tự tìm đến với Nam. Người này đang làm giám đốc một công ty Mỹ tại Việt Nam, nhưng vì cảm thấy chán nên muốn làm với Nam để phát triển chuyên môn kỹ thuật. “Tôi chẳng mất công tìm mà lại có người rất giỏi và không đòi lương cao”, anh kể.
VP9 là công ty thứ hai mà Nam thành lập để sản xuất camera giám sát của người Việt. Nhờ sử dụng công nghệ nén hình ảnh độc quyền của VP9, các sản phẩm của công ty khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của các camera có xuất xứ Trung Quốc, cho chất lượng hình ảnh qua Internet/3G đạt chuẩn HD 720p, hay thậm chí HD 1080p. Giờ đây tổng số nhân sự của VP9 đã lên tới 140. Khi quy mô nhân sự tăng, quản lý nhân viên và giữ niềm tin của họ trở nên phức tạp hơn. Sau khi tìm hiểu những công ty nổi tiếng trên mạng như Microsoft, Apple, Nam nhận thấy người lãnh đạo mà biết kỹ thuật đều rất khó tính. Nhưng họ vẫn thành công vì họ tạo sức ép để mọi người phải làm thật tốt.
Bộ phần cứng trong hệ thống giám sát dành cho gia đình của VP9 - bao gồm bao gồm camera theo dõi (loại camera trong nhà và ngoài trời), switch kết nối mạng và máy tính đồng bộ cài sẵn phần mềm. Ảnh: VnReview |
Điểm quan trọng nhất ở công ty công nghệ cao, theo Nam, là làm thật, thậm chí không cần phải giỏi lắm về kinh doanh. Nhiều khách hàng đến VP9 mặc dù công ty chưa bao giờ tiến hành hoạt động quảng cáo có chủ đích. Những người đã dùng rồi họ giới thiệu cho người khác.
"Tôi tự hào là công ty đang cố gắng làm tốt. Mặc có dù có những thứ chưa bằng các sản phẩm cạnh tranh, những người phù hợp vẫn sẽ tìm đến công ty. Vì VP9 làm việc rất nghiêm túc nên họ trân trọng, bỏ qua những khiếm khuyết và giới thiệu cho người quen. Lời giới thiệu qua người quen mạnh hơn các cách truyền thông khác rất nhiều”, Nam lập luận.
Xem thêm |