'Cứ nói Uber, Grab trốn thuế, taxi truyền thống trốn thuế nhiều nhất'
Sau hai năm thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử của Uber, Grab, taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn ở hai đầu chiến tuyến. Trong suốt một thời gian dài, những tranh cãi không có hồi hết đã liên tục xảy ra giữa hai loại hình vận tải này, không chỉ trên thị trường, trong giới tài xế mà còn bùng nổ ngay cả tại các hội thảo, hội nghị, thậm chí đã phải đưa cả ra toà án.
Mới đây nhất, ngày 6/2, Toà án nhân dân TP. HCM đã mở phiên xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, từ khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá. Vinasun cho rằng, Grab đã vi phạm luật cạnh tranh, kinh doanh không lành mạnh, gây thiệt hại, khiến lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về những tranh cãi giữa các hãng taxi truyền thống và taxi hiện đại đang rất gay gắt hiện nay?
Ông Bùi Danh Liên: Qua những gì mà Uber, Grab làm được chỉ trong một thời gian ngắn xuất hiện tại Việt Nam, phải thừa nhận rằng họ đã có nhiều thành công nhất định. Ứng dụng hợp đồng điện tử vận chuyển hành khách của Uber và Grab đã chiếm lĩnh thị phần taxi hiện nay, được cả người tiêu dùng lẫn giới tài xế đón nhận.
Nhiều lái xe taxi đã xin nghỉ việc chuyển sang chạy kiểu Uber, Grab. Chính điều này đã khiến thị phần của taxi truyền thống bị giảm đáng kể. Do đó, phản ứng trước việc kinh doanh bị thất thu của giới taxi truyền thống cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách rất công bằng rằng, trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, mọi hoạt động kinh doanh đều phải tuân theo quy luật thị trường. Người tiêu dùng và giới lái xe đương nhiên sẽ chọn dịch vụ nào tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho họ. Đó chính là lý do khiến Uber, Grab được lòng người tiêu dùng hơn taxi truyền thống.
Đây chính là quy luật cạnh tranh của thị trường. Chỉ khi nào xã hội có cạnh tranh mới có thể phát triển và người dân mới có thể được hưởng lợi.
Hiện nay, nhiều hãng taxi truyền thống đang cho rằng Uber, Grab lấy mất việc làm của họ, cạnh tranh không lành mạnh khi giảm giá cước, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Bùi Danh Liên: Cá nhân tôi không đồng tình với các đánh giá nêu trên. Nhiều công ty taxi đổ lỗi cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng.
Trong khi đó, bản thân taxi truyền thống còn nhiều vấn đề nội tại cần thay đổi. Thực tế cách cung cấp dịch vụ, phục vụ nhu cầu khách hàng của họ chưa hẳn đã là tốt trên thị trường. Do đó, họ không có lý do nào có thể ép khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.
Mặt khác, cứ nói Uber, Grab trốn thuế, khiến người lao động của taxi truyền thống mất việc làm chứ taxi truyền thống trốn thuế nhiều nhất, Mai Linh cũng nhiều năm nợ bảo hiểm của người lao động. Không phải vì Uber, Grab mà người lao động của họ mất việc.
Thay vì than khó, các doanh nghiệp taxi nên lập tức vào cuộc đổi mới công nghệ, cách thức phục vụ khách hàng, qua đó nỗ lực để cạnh tranh được chứ không còn cách nào khác vì đây là quy luật của kinh tế thị trường.
Vậy theo ông, cần làm thế nào để có thể quan lý một cách hiệu quả các hãng taxi hiện đại?
Ông Bùi Danh Liên: Những ưu điểm của Uber, Grab là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vì đây là loại hình mới nên cần thí điểm và tìm cách quản lý một cách hiệu quả.
Theo đó, đầu tiên phải xác định được Uber, Grab là loại hình kinh doanh gì. Hiện nay họ đang đăng ký hoạt động trong lĩnh vưc công nghệ thông tin do Bộ Công thương cấp giấy phép. Tuy nhiên theo tôi, cần quy định loại hình hoạt động của Uber, Grap là vận tải. Phải làm thế nào để nhận dạng được các phương tiện này để quản lý.
Bên cạnh đó cũng cần có những cơ chế thoáng hơn với Uber, Grap vì họ không phải là taxi chính thống. Ví dụ, các xe taxi này chủ yếu là huy động các xe nhàn rỗi nên không thể bắt họ gắn mào taxi lên trên. Còn thiết bị giám sát hành trình thì phải có, logo thì họ đã có rồi.
Uber, Grab chạy trên phần mềm công nghệ, trong đó hiển thị rất rõ từ chặng đường đi, số km đến số tiền thu về, Bộ Tài chính chỉ cần quản lý được phần mềm đó là có thể thu được thuế.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, các hãng taxi công nghệ đang giảm giá cước để chiếm lĩnh thị trường. Sau khi đã đạt được mục tiêu, họ sẽ tăng giá cước trở lại, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?
Ông Bùi Danh Liên: Đây vẫn là quy luật cạnh tranh của thị trường, do thị trường quyết định, Chính phủ và các cơ quan quản lý không nên can thiệp.
Giả sử, sau này khi Uber, Grab tăng giá cước cao quá, vượt quá sức chi trả của người dân, tất yếu họ sẽ lại không sử dụng nữa.
Lấy ví dụ từ thực tế như hiện nay, Uber, Grab thu phí rất cao vào giờ cao điểm khiến nhiều người dân đã chuyển sang lựa chọn taxi truyền thống để di chuyển vào khung giờ này. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc này không có gì đáng ngại.
Xin chân cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/