CPI 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, mức tăng thấp nhất trong 5 năm kể từ 2016
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 chủ yếu do giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng theo cơ quan này, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm có chỉ số giá giảm và 6 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm đồ uống, thuốc lá tăng cao nhất (0,17%) và nhóm giáo dục có mức giảm nhiều nhất (2,89%).
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân quý III tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tốc độ tăng CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,07%; tăng 3,79%; tăng 3,57%; tăng 2,5%; tăng 3,85%; tăng 1,82%.
Lạm phát cơ bản tháng 9 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 9 giữ ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.