|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CP Thái Lan tận dụng lợi thế của Việt Nam tại TPP để thúc đẩy xuất khẩu gia cầm, tôm

18:51 | 23/04/2019
Chia sẻ
Tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Thái Lan đầu tư cơ sở mới như một phần của chiến lược bành trướng trên thị trường quốc tế.

Charoen Pokphand Foods (CP Foods) của Thái Lan đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, triển khai một trong những động thái đầu tiên để tận dụng khả năng tiếp cận với các quốc gia trong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam kể từ khi thỏa thuận có liệu lực vào đầu năm.

CP Food, một phần của tập đoàn lớn nhất Thái Lan - Charoen Pokphand Group, sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để thiết lập trung tâm xuất khẩu cho hoạt động kinh doanh thịt gia cầm và thịt heo. Ước tính trên thể hiện dòng chảy đáng kể vào Việt Nam, tương đương hơn 25% tổng đầu tư của các công ty Thái Lan giai đoạn 2015 - 2017.

CP Thái Lan hi vọng sẽ tận dụng được thỏa thuận thương mại tự do này, có liệu lực vào cuối năm ngoái, cho phép Việt Nam hưởng lợi từ thương mại với các quốc gia như Nhật Bản và Australia, cũng nhe Mexico và Canada. Thái Lan vẫn chưa tham gia TPP. 

Tháng 11/2018, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua TPP, với các chuyên gia kinh tế dự báo thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng 4%. Qui mô tăng trưởng đã điều chỉnh giảm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 1/2017.

CP Thái Lan tận dụng lợi thế của Việt Nam tại TPP để thúc đẩy xuất khẩu gia cầm, tôm - Ảnh 1.

Người lao động tại một cơ sở chế biến thịt gà của CP Foods tại Thái Lan. Ảnh: Ken Kobayashi/Nikkei Asia Review.

CP Foods sẽ biến Việt Nam thành một trung tâm xuất khẩu thịt gà và tôm. Công ty tuyên bố trở thành nhà bếp của thế giới, với các cơ sở tại 17 quốc gia, gồm cả thị trường nội địa. 

Khoản đầu tư của CP là ví dụ mới nhất về sự bành trướng của các công ty Thái Lan tại những quốc gia láng giềng, với tiềm năng tăng trưởng, một xu hướng một xu hướng đã nuôi dưỡng một loạt ngành công nghiệp tại khu vực sông Mekong. 

Thái Lan đầu tư khoảng 780 triệu USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2017, hơn ba lần giá trị năm 2010 - 2012, theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Vụ đặt cược của Thái Lan cũng là một phần của kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế. Thứ Hai (22/4), công ty đã công bố mua lại nhà sản xuất thịt heo Canada Hylife với giá 372,79 triệu USD, nhằm thâm nhập sâu lơn vào thị trường Bắc Mỹ.

CP Foods sẽ nắm giữ 50,1% cổ phần của công ty Canada, trong khi đối tác Nhật Bản Itochu sở hữu phần còn lại. 

Doanh số của công ty bên ngoài Thái Lan chiếm 67% doanh thu hợp nhất trong 2018, tăng từ chỉ 16% trong 2008.

Montri Suwanposri, CEO của CP Việt Nam, một đơn vị của CP Foods, cho biết tới thời điểm hiện tại, công ty đã đầu tư tổng cộng 1 tỉ USD tại Việt Nam sau khi tiến vào thị trường này năm 1993. CP Foods sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, vốn chiếm 15% tổng doanh số của công ty, thông qua việc đầu tư thêm vào các nhà máy chế biến thịt. 

Nhà máy thịt gà đã hoàn thiện có công suất chế biến lên tới 1 triệu con mỗi tuần. Tổng sản lượng thịt gà từ các nhà máy Việt Nam vẫn thấp hơn so với tại Thái Lan, nhưng công ty lên kế hoạch tăng công suất trong thời gian tới. 

Thúc đẩy xuất khẩu tôm

CP Foods nhắm đến xuất khẩu thịt, cũng như tôm và cá, từ trung tâm của công ty tại Việt Nam, với hầu hết thịt chế biến dự kiến được vận chuyển sang Nhật Bản, Trung Đông, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác.

"CP Foods muốn biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, tận dụng [các thỏa thuận thương mại tự do], ưu đãi thuế và hạn ngạch xuất khẩu", theo một chuyên gia phân tích tại Bualuang Securities, công ty chứng khoán hàng đầu tại Thái Lan. 

"Ví dụ, Thái Lan có hạn ngạch xuất khẩu thtị gà sang EU. Họ có thể xuất khẩu nhiều hơn bằng cách sử dụng hạn ngạch từ Việt Nam, một khi họ dùng hết hạn ngạch từ Thái Lan".

Ông Montri cho biết Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan về mặt xuất khẩu. 

Sức mạnh của Việt Nam cũng nằm ở nhân tố chi phí nhân công thấp. Người lao động Việt Nam kiếm được trung bình 227 USD mỗi tháng, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan là 413 USD và Trung Quốc 493 USD, theo dữ liệu từ Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.

CP Foods cũng có kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu tôm với sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam, theo Nikkei Asia Review. Công ty đang xem xét tăng công suất tại trang trại nuôi tôm ở Việt Nam lên 50 tỉ đơn vị mỗi năm từ mức hiện tại là 12 tỉ.

Ngoài ra, công ty sẽ tăng công suất sản xuất thức ăn nuôi tôm hàng năm từ 300.000 tấn lên 500.000 tấn trong 2019, theo giám đốc điều hành phụ trách sản xuất thủy sản tại CP Việt Nam.

Trong năm tài khóa tính đến tháng 12/2018, CP Foods ghi nhận doanh số bán hàng tại Việt Nam tăng 26% so với năm trước đó lên 81,7 tỉ baht (tương đương 2,56 tỉ USD), ngược lại với hoạt động của công ty tại Thái Lan khi duy trì ảm đạm. 

Lyly Cao