COVID-19 tạo cơ hội để các mạng xã hội tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe từ xa
Một nghiên cứu mới do Global Market Insight thực hiện cho thấy việc sử dụng rộng rãi các phương pháp điều trị từ xa tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang thúc đẩy thị trường thiết bị điều trị từ xa.
Thị trường thiết bị điều trị từ xa có giá trị trên 2 tỷ USD Mỹ trong năm 2019, và được dự đoán là sẽ tăng trưởng 16,8% từ năm 2020 đến năm 2026. Đại dịch COVID-19 đang hỗ trợ đắc lực cho đà tăng trưởng này, trong bối cảnh những hạn chế đối với hoạt động khám trực tiếp khiến số buổi tư vấn từ xa tăng.
Ở những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc, chăm sóc sức khỏe số đã trở thành yếu tố thúc đẩy chính trong ngành chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, các quốc gia phát triển như Australia hay Nhật Bản đã hợp lý hóa việc ứng dụng điều trị từ xa. Họ đang phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe số bằng cách sử dụng các ứng dụng và công cụ mới.
Người bệnh có thể hưởng lợi từ các hệ thống kiểm tra trực tuyến, chuẩn đoán bệnh từ xa, ứng dụng giám sát sức khỏe từ xa, và các dịch vụ kê đơn trực tuyến.
Vào thời kì mà điều trị trực tuyến đã tham gia thị trường như một vũ khí tuyến đầu để chống lại COVID-19, các quốc gia này có thể tiết kiểm hàng tỉ USD nếu họ đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các thiết bị điều trị trực tuyến, theo ý kiến của công ty nghiên cứu thị trường này (Global Market Insights).
Chính phủ Australia đã công bố gói y tế trị giá 2,4 tỉ USD trong tháng 3 năm nay nhằm bảo vệ những người dân có bệnh mãn tính. Gói hỗ trợ bao gồm việc hỗ trợ các nhân viên y tế cung cấp dịch vụ điều trị trực tuyến, ví dụ như phần mềm họp trực tuyến.
Việc sử dụng các dụng cụ điều trị trực tuyến đã tăng tốc tại Australi nhằm cung cấp các cơ sở y tế từ xa. Xu hướng này đang tạo ra những cơ hội phát triển béo bở cho các bên liên quan do các bác sĩ có thể thiết lập hàng các phòng khám ở mọi nơi.
Các dụng cụ còn đảm nhận vai trò như các công cụ học từ xa, phục vụ mục đích đào tạo. Với ứng dụng video được mã hóa, bác sĩ có thể tương tác từ xa với các đồng nghiệp, theo dõi các hoạt động giáo dục.
Global Market Insights dự đoán nhu cầu mua các công cụ điều trị từ xa bền, có thể xách tay sẽ còn tăng trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc cũng không hề tụt hậu và đang mở rộng hiện diện trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cùng với Uzbekistan, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống điều trị từ xa để hỗ trợ đất nước chống COVID-19. Hệ thống bắt đầu hoạt động trong tháng 4, với nền tảng dịch vụ điều trị từ xa Jiangxi chịu trách nhiệm chuẩn đoán bệnh và tư vấn sức khỏe liên quan đến virus.
Theo báo cáo, Nhật Bản đang tiếp tục đi tiên phong trong lĩnh vực điều trị từ xa. Chính phủ Nhật Bản đã tăng đầu tư vào công nghệ để bảo vệ hệ thống y tế của họ khỏi những rủi ro từ virus.
Hồi tháng 4, Bộ y tế Nhật Bản đã công nhận hơn 10.000 phòng khám có khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới để chuẩn đoán bệnh trực tuyến. Vào tháng 3, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã triển khai dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa miễn phí. Dịch vụ là một phương thức lý tưởng để sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm và đóng vai trò là tuyến phòng vệ đầu tiên.
Line, mạng xã hội lớn ở Nhật Bản, sắp ra mắt một dịch vụ điều trị từ xa. Công ty kỳ vọng hơn 2.000 bác sĩ sử dụng dịch vụ.
Trong bối cảnh hiện tại khi mà các dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến đang trở thành một phần thiết yếu để kết nối các bệnh nhân và bác sĩ mà không gây áp lực lên hệ thống y tế, đầu tư vào các thiết bị điều trị từ xa sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân. Báo cáo của Global kết luận rằng khu vực Châu Á Thái Bình Dương có khả năng trở thành một điểm đầu tư có tiềm năng cho các nhà sản xuất thiết bị điều trị từ xa.