|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

COVID-19 làm khó cửa xuất khẩu, thị trường nào cho vải thiều năm nay?

16:53 | 13/05/2020
Chia sẻ
Vải thiều sắp vào mùa thu hoạch, các địa phương trồng vải đang tích cực triển khai biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch COVID-19, xuất khẩu lô vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản gặp nhiều vướng mắc và thị trường hơn 1,4 tỉ dân cũng gặp không ít khó khăn.

Lô vải tươi đầu tiên sang Nhật gặp khó, thị trường Trung Quốc cũng không dễ dàng

Sau khoảng thời gian 3 năm tích cực đàm phán mở cửa thị trường của cơ quan chức năng hai nước, ngày 16/12/2019, Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (Bộ MAFF) có văn bản đồng ý cho phép xuất khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.

Theo kế hoạch vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2020 lô vải thiều tươi đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên mới đây Bộ Công Thương cho biết, phía Nhật Bản đã  gửi công hàm thông báo do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lí, khử trùng quả vải tươi. Vì vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.

Thông báo bất ngờ này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch xuất khẩu vải của Việt Nam khi những công việc chuẩn bị cho những quả vải đầu tiên sang thị trường này gần như đã hoàn tất.

"Đến thời điểm này, Bắc Giang đã sẵn sàng đầy đủ các điều kiện để đưa quả vải thiều với chất lượng tốt nhất sang thị trường này. Hiện đã có 3 doanh nghiệp về Bắc Giang kí hợp đồng để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản", ông Trần Văn Tú cho hay.

Việc Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lí khử trùng quả vải tươi xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19, tỉnh đã nhận được thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan", ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang cho hay.

Qui định về khử trùng vải trước khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

Để được công nhận đủ điều kiện thực hiện khử trùng quả vải thiều xuất khẩu thì buồng khử trùng phải đáp ứng các điều kiện: đủ kín khí để duy trì nồng độ khí thuốc trong quá trình khử trùng.

Buồng khử trùng được thiết kế để có thể đo được nồng độ khí thuốc trong khu vực khử trùng từ bên ngoài, có thiết bị để đảo khí giúp cân bằng nồng độ khí thuốc bên trong buồng khử trùng và thiết bị để thông thoáng thuốc ngay sau khi kết thúc quá trình khử trùng.

Bên cạnh đó, buồng khử trùng phải có thiết bị đo nồng độ thuốc Methyl Bromide, có gắn thiết bị đo nhiệt độ và theo dõi nhiệt độ từ bên ngoài.

Mỗi năm cán bộ kiểm dịch thực vật Nhật Bản sẽ tiến hành khảo sát trước khi sử dụng buồng khử trùng. Nếu thấy cần thiết thì cán bộ kiểm dịch thực vật có thể khảo sát vào bất cứ lúc nào trong quá trình sử dụng

Bắc Giang là một trong hai địa phương (cùng với Hải Dương) sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước, chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều cung ứng cho thị trường.

Số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó vải đầu mùa 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn.

Hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 15.000 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng  ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.

Trong đó, Nhật Bản đã chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha thuộc các xã như Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (Lục Ngạn), Phúc Hòa (Tân Yên) của 107 hộ dân.

Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản có thể sẽ "tạm hoãn" trong mùa vụ năm nay vì dịch COVID-19.

Không chỉ khó khăn tại thị trường mới, tại thị trường truyền thống là Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu vải thiều năm nay cũng được dự báo không mấy thuận lợi. Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa 1,4 tỉ dân.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mùa thu hoạch vải của Trung Quốc thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8. Hiện diện tích vải của Trung Quốc đạt trên 500.000 ha.

Điều đáng quan tâm lúc này là khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ của Trung Quốc được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam. Chưa kể, năm nay, do thời tiết thuận lợi hơn vụ vải năm ngoái nên sản lượng vải của nước này dự báo sẽ trở lại bình thường, nguồn cung do đó dự báo sẽ tăng lên.

Số liệu của Hiệp hội Vải thiều Quảng Đông cho thấy, 99% lượng vải tươi của Trung Quốc được bán tại nội địa. Vải được mùa nên nguồn cung trong năm 2020 sẽ lớn hơn năm 2019, điều này sẽ tác động mạnh tới giá bán.  

Trong năm 2019, hơn 79.600 tấn vải được xuất khẩu, chiếm 54,2% sản lượng tiêu thụ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với gần 78.900 tấn.

Sở Công Thương Bắc Giang

Giá vải thiều tại Trung Quốc hiện đang dao động khoảng 30 - 50 NDT/0,5kg, tương đương 200.000 - 330.000 đồng/kg. 

Vào vụ thu hoạch trong tháng 5/2020, nguồn cung vải thiều sẽ tăng. Dự kiến giá giảm xuống còn khoảng 10 NDT/0,5kg, chỉ khoảng 66.000 đồng/kg và giá có thể giảm xuống dưới 10 NDT vào cuối tháng 5/2020.

Không chỉ vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản còn cho biết, nửa đầu tháng 4/2020, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đối với các lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa.

Đồng thời điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới dẫn đến việc nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản. 

COVID-19 làm khó cửa xuất khẩu, thị trường nào cho vải thiều năm nay? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất quả vải tại tỉnh Bắc Giang cuối tháng 4 vừa qua. (Ảnh: Bộ NN&PTNT).

Trong chuyến đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất tại thủ phủ vải thiều Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, vụ vải năm nay sẽ còn chịu tác động bởi hai yếu tố, đó là diễn biến thời tiết bất thuận có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị. 

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 sẽ gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.

Đề xuất Nhật kiểm tra trực tuyến, tăng tiêu thụ nội địa nếu xuất khẩu tắc nghẽn

Trước nguy cơ lô vải thiều đầu tiên không thể sang Nhật vì dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ MAFF để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng.

Cụ thể, như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa như kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có có thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản.

COVID-19 làm khó cửa xuất khẩu, thị trường nào cho vải thiều năm nay? - Ảnh 4.

Bộ Công Thương đang xúc tiến và tìm các phương án để xuất khẩu sang Nhật Bản dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Mới đây nhất ngày 10/5, các cơ quan chức năng tại Bắc Giang đã phối hợp với một số đơn vị trực thuộc của Bộ NN&PTNT tổ chức vận hành thử dây chuyền xông hơi, khử trùng lắp đặt tại CTCP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn).

Theo đó vải chín sớm của huyện Lục Nam được đưa vào vận hành thử nghiệm qua các công đoạn khép kín như nạp nguyên liệu, rửa, xử lí bằng nước lạnh 4 độ C, xử lí bằng axit, hong khô, đóng hộp, khử trùng, thay hộp, chiếu xạ loại bỏ sâu đục cuống quả, sau đó đưa ngay vào kho lạnh.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, cho biết lần đầu tiên tại tỉnh có công nghệ khử trùng, xông hơi để xử lí bảo quản vải thiều hiện đại như hiện nay.

Điểm mới của công nghệ là sử dụng axit hữu cơ thay thế axitclohidric để xử lí, qua đó góp phần nâng chất lượng sản phẩm; đồng thời sử dụng tia X để chiếu xạ, diệt côn trùng và cũng là biện pháp hữu hiệu phát hiện sâu đục cuống quả. 

"Đây là loài dịch hại mà các nước nhập khẩu rất e ngại, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Thế nhưng bằng cách sử dụng tia X, sâu đục cuống quả được phát hiện một cách dễ dàng.

Ngoài ra, việc chạy thử này giúp đồng bộ hóa các thao tác từ người lao động đến các thiết bị để chuẩn bị cho tiêu thụ, xuất khẩu vải khi vào chính vụ", ông Thành cho hay

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã phối hợp một số cơ quan thuộc Bộ Công Thương liên hệ với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để tiến tới kí kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều.

Theo đó, đến nay đã có tất cả 6 doanh nghiệp, tập đoàn gồm Tập đoàn Aoen, Central Group, Mega Market và các công ty như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre); CTCP Ameii Việt Nam (Hà Nội) và CTCP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) tham gia tiêu thụ vải cho người dân Bắc Giang.

Trước mắt, các đơn vị dự kiến sẽ tiêu thụ gần 1.000 tấn vải thiều để xuất khẩu sang thị trường các nước Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và các nước EU...

Theo đại diện tỉnh Bắc Giang, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu vải thiều trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện địa phương đã xây dựng xong 3 kịch bản xuất khẩu vải chuẩn bị cho những trường hợp có thể xảy ra.

Trong đó kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường; kịch bản thứ hai là xuất khẩu có khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; kịch bản thứ ba trong bối cảnh khó khăn nhất là không xuất khẩu được.

"Nếu Bắc Giang không thể xuất khẩu vải thiều trong năm nay do đại dịch COVID-19, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước vì Việt Nam là thị trường tiềm năng với khoảng 90 triệu dân", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho hay.

Như Huỳnh