|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

COVID-19 có thể thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản, nhà đầu tư không nên quá trông chờ vào thị trường

16:33 | 19/06/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 và các tác động sâu sắc đến các thị trường toàn cầu dự báo sẽ làm giảm tốc độ tạo ra của cải mới đến tận 5 năm sau. Ngoài ra, 16 nghìn tỉ USD tài sản có khả năng sẽ bị xóa sổ trong năm nay.
COVID-19 có thể thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản, nhà đầu tư không nên quá trông chờ vào thị trường - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 dù không khiến giới giàu có trở nên nghèo hơn, nhưng sẽ khiến họ chật vật kiếm tiền hơn trong những năm tới, báo cáo của BCG cho thấy. (Ảnh: Vontobel Asset Management).

Dù người giàu sẽ vẫn ngày càng giàu hơn - nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể làm chậm đáng kể tốc độ tích lũy của cải của họ nhiều năm tới.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), các thị trường liên tục biến động và các nền kinh tế suy sụp do virus COVID-19 có thể sẽ thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản toàn cầu trong năm nay, đồng thời kìm hãm của cải phát triển trong 5 năm tới.

Con số dự kiến này cao hơn 60% so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã xóa sổ 10 nghìn tỉ USD, và ám ảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều năm sau đó.

Hưởng lợi từ nhiều thập kỉ thị trường chứng khoán phát triển, các triệu phú và tỉ phú trên thế giới đã gia tăng tài sản với tốc độ gấp đôi tỉ lệ ghi nhận ở người thu nhập trung bình và người nghèo.

Song, vận may của họ có thể sẽ "cạn" nếu tiếp tục phụ thuộc vào các thị trường tài chính, vốn còn biến động mạnh hơn do virus COVID-19 gây ra sẽ đè nặng nền kinh tế trong nhiều năm nữa.

"Đừng trông chờ vào thị trường lần này"

Nghiên cứu của BCG cho thấy số tài sản tài chính cá nhân toàn cầu đã đạt 226 nghìn tỉ USD vào năm 2019, tăng 9,6% so với năm 2018. Năm ngoái cũng là năm có tốc độ tăng trưởng tài sản hàng năm cao nhất kể từ năm 2005.

Theo kịch bản tồi tệ nhất BCG đưa ra, từ năm 2019-2024, tăng trưởng của cải toàn cầu có thể sẽ chậm lại, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 1,4%.

COVID-19 có thể thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản, nhà đầu tư không nên quá trông chờ vào thị trường - Ảnh 2.

(Ảnh: Bloomberg).

Ngay cả với kịch bản khả quan nhất, rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, BCG báo cáo tốc độ tăng trưởng dự kiến cũng chỉ dừng ở mức 4,5%, thấp hơn một nửa so với năm 2019.

"Phân khúc bị ảnh hưởng nặng nhất trong các kịch bản kinh tế phục hồi chậm với thiệt hại kéo dài là nhóm giàu có nhất. Đơn giản là vì mức độ rủi ro tài chính của họ với thị trường chứng khoán và biến động thị trường cao hơn", bà Anna Zakrewski – Trưởng nhóm toàn cầu bộ phận quản lí tài sản của BCG cho biết.

Trong 20 năm qua, số triệu phú đô la trên toàn thế giới đã tăng gấp ba lần, lên tới 24 triệu người.

Hơn 67% trong số này tập trung sinh sống ở Bắc Mỹ, nắm giữ hơn một nửa tổng tài sản tài chính toàn cầu, theo báo cáo của BCG. 

"Điều đó có nghĩa là lục địa này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với Nhật Bản" và "cả hai khu vực này sẽ trải qua giai đoạn sụt giảm 5 năm", BCG nhận định.

COVID-19 có thể thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản, nhà đầu tư không nên quá trông chờ vào thị trường - Ảnh 3.

(Ảnh: Bloomberg).

Dòng chảy tiền toàn cầu sẽ "nhỏ giọt" trở lại

BCG ước tính có 9,6 nghìn tỉ USD tài sản đã được giữ tại nước ngoài trong năm 2019, tăng 6,4% so với năm 2018. Và châu Á (trừ Nhật Bản) là nơi giữ của cái lớn nhất.

Tuy nhiên theo BCG, với các tình huống căng thẳng tài chính, điển hình như giai đoạn tăng trưởng trì trệ đầu những năm 2000, hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tốc độ tăng trưởng tài sản được giữ xuyên biên giới có xu hướng bị ảnh hưởng mạnh. 

Trong ngắn hạn, nhóm giàu có sẽ chuyển tài sản đến những "nơi trú ẩn" an toàn hơn. Trong dài hạn, nhóm này có thể sẽ rút một phần tài sản về nơi cư trú, để dễ dàng quản lí thanh khoản hơn, đặc biệt là trong trường hợp suy thoái kéo dài.

Trong khi Thụy Sĩ vẫn là điểm đến an toàn nhất, được lựa chọn nhiều nhất đối với những tỉ phú muốn đưa tiền ra nước ngoài, Hong Kong và Singapore cũng đang thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư, vì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và các thị trường phát triển nhanh khác tại châu Á.

BCG cho biết cả hai thị trường này dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ gia tăng tài sản quản lí tại đây nhanh hơn gấp đôi so với Thụy Sĩ trong 5 năm tới.

Ngành quản lí tài sản cần đổi mới để theo kịp COVID-19

Đại dịch COVID-19 cũng đang thúc đẩy một đợt cải cách cho các nhà quản lí tài sản, với triển vọng phát triển ảm đạm trước các tác động dự kiến kéo dài của dịch bệnh.

Thậm chí, các nhà quản lí tài sản cho giới giàu có đang phải đối mặt với tình hình còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính, với mức lợi nhuận thấp và chi phí cao hơn so với năm 2007 theo BCG.

"Chúng tôi thấy rằng, COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp quản lí tài sản", ông Zakrewski nói. 

"Một thập kỉ qua đã khiến cho một số nhà quản lí tài sản quá tự tin với hiệu suất họ thu được, mà bỏ qua các yêu cầu giải quyết mô hình kinh doanh của họ", ông nói thêm.

COVID-19 có thể thổi bay 16 nghìn tỉ USD tài sản, nhà đầu tư không nên quá trông chờ vào thị trường - Ảnh 4.

(Ảnh: Bloomberg).

Theo bà Zakrewski, các nhà quản lí tài sản, kể cả cho nhóm người giàu nhất, chỉ "gãi ngứa bề mặt" khi các vấn đề chi phí nổi lên.

"Các yêu cầu về qui định và tuân thủ của họ lại quá cồng kềnh và tốn kém. Hầu hết các ngân hàng đầu tư chỉ chăm chăm vào vấn đề trước mắt, thay vì đánh giá lại mô hình hoạt động và tìm kiếm các cách thức thay thế khác, như số hóa để giảm chi phí", bà cho biết thêm.

Trong năm 2019, lợi nhuận của ngành đạt 135 tỉ USD, thay đổi không nhiều so với con số 130 tỉ USD vào năm 2007, khi tổng tài sản toàn cầu chỉ bằng một nửa so với hiện nay.

Thực tế này cho thấy, để duy trì hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt là thiếu chắc chắn như dịch COVID-19, ngành công nghiệp quản lí tài sản cần phải thay đổi, không thể dậm chân tại chỗ được nữa.

Điêu Quân/Theo Bloomberg