Coolmate, Lozi, Sipher, Propzy,... lọt 'Top 10 người khổng lồ mới nổi' Việt Nam do KPMG và HSBC bình chọn
Theo đánh giá từ HSBC và KPMG, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Theo đó, số startup tại Việt Nam đã tăng lên 3.000 kể từ con số 1.6000 hồi đại dịch COVID-19 xuất hiện, theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn, trong đó có 4 doanh nghiệp được xếp hạng “kỳ lân”.
Động lực chính thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam chính là một nền dân số đông và trẻ không ngại thử nghiệm và tiếp nhận sản phẩm tiêu dùng công nghệ mới, chính sách nhà nước mang tính hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng.
Mặc dù GDP bình quân trên đầu người còn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Tăng trưởng được dự báo đạt 5,5% cho năm 2022 và 6,5% cho năm 2023, gần đạt tốc độ tăng trưởng như thời trước COVID-19 theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Kiên Nguyễn, Giám đốc Khối Private Enterprise tại KPMG Việt Nam, chia sẻ: “Làn sóng đầu tư mạnh mẽ khởi nguồn từ châu Á, đặc biệt là Singapore, theo sau là Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong, và Nhật Bản. Gần như toàn bộ nguồn vốn này đều rót vào những công ty phục vụ thị trường trong nước. Nhu cầu nội địa sẽ còn lớn mạnh trong hai đến ba năm tới trước khi có nhu cầu hợp nhất, hoặc cần chiến lược toàn cầu hoặc cấp vùng”.
Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng.
KPMG và HSBC phân tích 6.472 công ty đến từ châu Á – Thái Bình Dương được định giá 500 triệu USD trở xuống, dựa trên dữ liệu Pitchbook và họ đã chọn ra 10 startup ấn tượng của Việt Nam, được gọi tên là "Những người khổng lồ mới hàng đầu Việt Nam", gồm:
Propzy
Ngành nghề: Công nghệ bất động sản, Công nghệ-Truyền thông-Viễn thông.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng bất động sản.
Sipher
Ngành nghề: Tiền mã hóa/Chuỗi khối, Công nghệ tài chính, Trò chơi.
Lĩnh vực kinh doanh: Trò chơi nhập vai nhiều người tham gia trên máy tính sử dụng công nghệ chuỗi khối.
Sendo
Ngành nghề: Thương mại điện tử, phần mềm dịch vụ, Công nghệ-Truyền thông- Viễn thông.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng mua sắm sản phẩm tiêu dùng thương mại điện tử.
Jio Heath
Ngành nghề: Y tế số, công nghệ y tế, di động, phần mềm dịch vụ.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng y tế cho phép truy cập tức thời đến các dịch vụ khám bệnh trực tuyến.
Clevai
Ngành nghề: Công nghệ giáo dục.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng giáo dục trực tuyến cho học viên có nhu cầu chưa được đáp ứng.
Coolmate
Ngành nghề: Thương mại điện tử.
Lĩnh vực kinh doanh: Chuyên trang bán lẻ trực tuyến trang phục nam giới.
EveHR
Ngành nghề: Công nghệ quản lý nhân sự.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng trực tuyến nhằm tăng cường gắn kết nhân viên và giữ chân nhân tài.
Lozi
Ngành nghề: Công nghệ nông nghiệp, Thương mại điện tử, Di động, Công nghệ chuỗi cung ứng.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng giao hàng thương mại điện tử chuyên kết nối người bán và người mua để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng.
VUI
Ngành nghề: Công nghệ tài chính, Phần mềm dịch vụ.
Lĩnh vực kinh doanh: Phần mềm tài chính được thiết kế nhằm mang đến giải pháp tiết kiệm tài chính cho nhân viên.
HomeBase
Ngành nghề: Công nghệ bất động sản.
Lĩnh vực kinh doanh: Nền tảng cho thuê bất động sản với mục đích cung cấp tài chính theo nhu cầu và điều kiện cá nhân để mua và sở hữu nhà và tài sản.
Đặc tính của những “người khổng lồ mới nổi” và thách thức họ đang đối mặt
HSBC và KPMG không nêu rõ định nghĩa của những người khổng lồ mới nổi nhưng các công ty này đều sở hữu những đặc tính như trên. Dù gặp nhiều thử thách nhưng một trong những thử thách phổ biến nhất mà các công ty khởi nghiệp phải đối mặt là sự phân bố không đồng đều nhân tài công nghệ tại các thị trường. Với vấn đề này, các doanh nghiệp thành công chú trọn tập trung vào chuyên môn hóa theo địa phương.
Ví dụ: thế mạnh phát triển phần mềm của Ấn Độ; năng lực của Trung Quốc trong việc thí điểm và thử nghiệm các nền tảng số; và các công ty khởi nghiệp B2B chuyên biệt đang phát triển rất nhanh tại Úc hiện cung cấp giải pháp cho những vấn đề ở các thị trường khác. Hong Kong và Singapore vẫn là hai cửa ngõ lớn của khu vực, đặc biệt đối với khu vực Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Đài Loan và Đông Nam Á.
Ở những nơi khác, đáng chú ý là tại Ấn Độ cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nhà đầu tư tiềm năng có thể sẽ muốn tìm cách tiếp cận trực tiếp thị trường hoặc doanh nghiệp.
Sau khi thảo luận với các công ty khởi nghiệp, các chuyên gia của KPMG và HSBC nhận thấy rằng rất nhiều đơn vị nhà nước nhìn ra lợi ích khi hợp tác với các doanh nghiệp để cùng giải quyết các thách thức của cả đôi bên.
Hợp tác là cuộc chơi đôi bên cùng có lợi, trong đó các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận thị trường và khách hàng, đồng thời doanh nghiệp sẽ có được các giải pháp công nghệ tiên tiến giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của họ hoặc giúp họ tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để thành công là chọn được đúng tổ chức và đúng đội nhóm để hợp tác cùng.
Nghiên cứu của KPMG và HSBC cho thấy những doanh nghiệp coi các startup là đối tác thay vì chỉ là bên cung cấp dịch vụ cho mình có nhiều khả năng thành công hơn. Hơn nữa, các điều khoản hợp tác, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản trí tuệ và trao quyền tự chủ cho các công ty khởi nghiệp để họ có thể phát triển các giải pháp, có thể dẫn đến chất lượng kết quả tốt hơn.
Một điều cần cân nhắc khi các công ty khởi nghiệp mở rộng hoạt động ra toàn cầu là sự phức tạp về luật pháp, đặc biệt là sự điều chỉnh liên tục các quy định nhà nước nhằm phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp số.
Đồng thời, sự phát triển của thuế trên toàn cầu như các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu (BEPS) sẽ định hình mức thuế doanh nghiệp tối thiểu tại các thị trường liên quan, từ đó sẽ ảnh hưởng đến những nơi các công ty đa quốc gia đặt cơ sở hoạt động.
Các quy định ESG ngày càng nghiêm ngặt, bao gồm những mục tiêu cân bằng phát thải đã được các quốc gia cam kết trên toàn cầu, sẽ yêu cầu các công ty theo dõi chặt chẽ hơn tác động của ESG mà doanh nghiệp của họ đặt lên chuỗi cung ứng, cũng như truyền đạt hiệu quả hoạt động ESG của mình với nhà đầu tư và công chúng nói chung.
Do những “người khổng lồ mới nổi” của hôm nay đều mong muốn trở thành những kỳ lân trong tương lai, việc xây dựng các chiến lược thuế và ESG hiệu quả sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển tương lai của họ.
Một yếu tố cũng quan trọng là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại địa phương và hợp tác với những trường đại học trong nước để thương mại hóa các nghiên cứu.
HSBC và KPMG nhận định để tăng cơ hội cho các công ty khởi nghiệp non trẻ vượt qua giai đoạn “thung lũng tử thần” khi mở rộng quy mô kinh doanh, họ sẽ cần tận dụng các cơ chế và nguồn vốn của nhà nước. Điều này sẽ giúp thu hút những nhà đầu tư và cố vấn thương mại dẫn lối cho những doanh nghiệp này phát triển lên giai đoạn kế tiếp.
Dám nghĩ lớn là một điểm mà các chuyên gia của HSBC và KPMG đánh giá cao ở các startup. Những dự án khởi nghiệp thành công luôn bắt đầu với một hạt mầm ý tưởng, sau đó phát triển thành ý tưởng lớn, gặp khó khăn trở ngại nhưng vẫn thực hiện ý tưởng đó với đầy đam mê.