Công ty tư vấn Nhật Bản: Xu hướng chọn mua ô tô thay thế xe máy tăng nhanh tại Việt Nam
ABeam Consulting – công ty tư vấn chiến lược tại Nhật Bản ra báo cáo nhận định thị trường xe máy Việt Nam đang ở giai đoạn bão hòa, mức tăng trưởng sẽ ổn định và không có đột biến trong thập kỷ tới.
Hiện nay, xe máy vẫn được coi là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam. Với tổng dân số 98 triệu người đã có hơn 65 triệu xe máy được đăng ký, có nghĩa là cứ 3 người thì có 2 người sở hữu một chiếc xe máy vào năm 2020. Tuy nhiên xu hướng này đang có sự dịch chuyển.
Người Việt đang mua ô tô nhiều hơn
Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, doanh số bán xe máy giảm từ 3,25 triệu chiếc còn 2,84 triệu chiếc tức là giảm 12,6% so với năm 2019. Thế nhưng, Việt Nam lại là quốc gia có doanh số bán hàng duy trì ở mức ổn định trong suốt thập kỷ qua với khoảng 3 triệu chiếc được bán ra hằng năm.
Trong đó, doanh số thấp nhất là 2,7 triệu chiếc vào năm 2014 và cao nhất là 3,39 triệu chiếc vào năm 2018. Vào năm 2010, tỷ lệ giữa số lượng xe máy và ô tô đăng ký tại Việt Nam tăng cao tới mức 55,9 xe máy/ô tô nhưng liên tục giảm xuống tỷ lệ 26,7 vào năm 2020.
Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tăng liên tục và đạt 2.785 USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với 1.317 USD năm 2010 (CAGR là 7,8%) (World Bank). Không chỉ điều kiện tài chính cải thiện giúp người Việt Nam có thể mua những mặt hàng đắt tiền hơn như ô tô thay vì xe máy, mà cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.
Theo những số liệu mới nhất, trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ đường rải mặt toàn quốc tăng từ 64,4% năm 2010 lên 84%, trong đó tỉ lệ này ở khu vực nông thôn tăng từ 37,9% vào năm 2010 lên 68,69%. Tổng chiều dài đường cao tốc cũng tăng hơn 10 lần từ 89km năm 2010 lên 1.163 km vào năm 2020, giúp kết nối các thành phố lớn ở Việt Nam và hỗ trợ cả việc sử dụng ô tô.
Báo cáo nhận định bước ngoặt từ thị trường xe máy sang ôtô có thể khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng đường bộ và mức độ bất bình đẳng.
Ngoài ra, sau khi nền kinh tế phát triển và thu nhập đạt mức cao hơn nữa, mối quan hệ giữa GDP bình quân đầu người và xe máy trở nên tích cực trở lại, khi người tiêu dùng yêu cầu xe máy động cơ lớn hơn (xe phân khối lớn trên 250 cc) hoặc xe máy điện.
Đơn cử, các quốc gia trong khối ASEAN với mức thu nhập ngày càng tăng, cùng với các sáng kiến chính sách và cơ sở hạ tầng mở rộng, người dân ở các nước đang phát triển tại khu vực ASEAN như Thái Lan đã giảm tốc độ trong việc thay thế xe máy cũ và dần chuyển sang việc mua xe du lịch nhỏ. Từ đó, thị trường xe máy cuối cùng dần bị thu hẹp để mở rộng thị trường xe hơi trong khu vực.
Những luồng gió mới
Thị trường xe máy Việt Nam được thống trị bởi 5 nhà sản xuất lớn Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio, trong đó Honda và Yamaha chiếm gần 90% tổng số lượng xe máy tiêu thụ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2021.
Năm 2017, chính phủ đã công bố quyết định chuyển đổi xe hai bánh có động cơ đốt trong (ICE) sang 100% xe điện (EV) vào năm 2030 và tập trung chuyển đổi tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP HCM.
Từ đó, giảm ùn tắc giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông, cũng như giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện chất lượng sống và xây dựng các thành phố phát triển bền vững tại Việt Nam.
Do đó, những năm gần đây các nhà sản xuất xe máy đang trì hoãn việc ra mắt các tính năng và mẫu xe mới cho dòng xe có động cơ ICE, thay vào sẽ chuyển hướng sang việc bán các mẫu xe điện.
Ngược lại, các nhà sản xuất xe máy điện có thể được chứng kiến làn sóng mới bởi sự gia nhập của VinFast, một công ty khổng lồ trong nước chuyên sản xuất xe máy điện. Vào tháng 11/2018, dòng xe máy điện mang tên VinFast Klara ra mắt đầu tiên trên thị trường.
Đến 2021, hãng đã sản xuất thêm 3 dòng xe máy điện mới với tổng đơn hàng nhận được là 50.000 xe, trong đó đã sản xuất được 45.118 xe… Bên cạnh đó, nhà sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới Yadea đến từ Trung Quốc cũng mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2019.