|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty mẹ Vinachem đặt mục tiêu lãi 732 tỷ đồng năm 2023

11:34 | 24/02/2023
Chia sẻ
Năm nay, toàn tập đoàn Vinachem đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 63.100 tỷ đồng, tăng 1,5% so với mốc kỷ lục đã thiết lập trong năm 2022. Trong đó công ty mẹ kỳ vọng đạt 1.209 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 732 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa: Vinachem.

Ngày 23/2, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2023 Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Năm 2023, tổng doanh thu và thu nhập kỳ vọng đạt gần 1.209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 732 tỷ. Nộp ngân sách nhà nước dự kiến là 4,5 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư 18,4 tỷ.

Công ty mẹ Vinachem kỳ vọng năm 2023 sẽ không có nợ phải trả quá hạn (không bao gồm các khoản nợ vay vốn đầu tư dự án Đạm Ninh Bình đang được các cấp thẩm quyền xử lý). Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn mục tiêu từ 0,5 đến 1.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 diễn ra đầu năm, lãnh đạo Vinachem đã công bố kế hoạch hợp nhất toàn tập đoàn với mục tiêu doanh thu hơn 63.100 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2022.

Theo Vinachem, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Vinachem sẽ chủ động xây dựng, tổ chức triển khai các giải pháp về quản trị mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, chi phí tài chính... hạn chế ảnh hưởng khi có biến động lớn về giá cả vật tư đầu vào, lãi suất, tỷ giá; tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhìn lại năm 2022, nhiều tác động tiêu cực khiến cho các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn gặp khó khăn. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào bất ổn, chi phí vận tải vẫn ở mức cao, nền tài chính tiền tệ đang có dấu hiệu khủng hoảng và lạm phát mạnh, biến động tỷ giá hối đoái… gây khó khăn cho quản trị sản xuất và tiêu thụ của các đơn vị.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thế giới và trong nước vẫn ở mức cao: lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) bình quân tăng 92% so với bình quân năm 2021 (cao hơn 178 USD/tấn so với giá kế hoạch năm 2022); amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng 83%; vải mành, than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su) tăng lần lượt 17% và 8%; muối công nghiệp (nguyên liệu sản xuất xút và sản phẩm clo) tăng 30% so với bình quân năm 2021... đã làm tăng giá thành sản phẩm.

Bên cạnh tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón năm 2022 thì giá than các loại so với cuối năm 2021 đã tăng tới 55%, điều này gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất phân urê cũng như phân lân nung chảy.

Dù vậy cả năm 2022, doanh thu cộng hợp của Tập đoàn Vinachem ước đạt 62.262 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn, vượt 19% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp khoảng 6.023 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với năm trước.

Một số đơn vị có doanh thu tăng mạnh, gồm CTCP Hóa chất Việt Trì tăng 66%, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 48%, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 43%, CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam tăng 36%, CTCP DAP số 2- Vinachem tăng 22% so với năm 2021.

Minh Hằng