Công ty mẹ TikTok vẫn là kỳ lân giá trị nhất thế giới dù định giá giảm xuống 300 tỷ USD
Mức định giá của kỳ lân lớn nhất thế giới, đồng thời là chủ sở hữu của ứng dụng xem video ngắn nổi tiếng TikTok, ByteDace đã giảm khoảng 1/4 trong năm qua xuống còn 300 tỷ USD, theo South China Morning Post.
Cụ thể, các nguồn tin thân cận với vấn đề này tiết lộ rằng mức định giá mới của ByteDance đến sau thương vụ mua lại cổ phần mới nhất của công ty vì đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của ByteDance vẫn chưa rõ có diễn ra hay không.
Trước đó, một nguồn tin nói với tờ South China Morning Post rằng một cuộc họp cổ đông bất thường đang được lên kế hoạch vào cuối tháng này để bỏ phiếu về việc mua lại cổ phần cũng như các đề xuất khác, bao gồm cả kế hoạch tăng vốn cổ phần được ủy quyền của công ty.
Đối với việc mua lại cổ phần, kỳ lân giá trị nhất của Trung Quốc đang lập ngân sách lên tới 3 tỷ USD để mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư hiện tại với giá 177 USD/cổ phiếu, theo các nguồn tin.
Năm ngoái, mức định giá của công ty mẹ TikTok đã lập đỉnh khi đạt giá trị lên tới 400 tỷ USD vào thời điểm công ty đang tim cách IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York hoặc Hong Kong. Đầu năm nay, giá cổ phiếu của ByteDance đã được giao dịch ở mức định giá khoảng 300 tỷ USD trên thị trường cổ phần tư nhân, tờ Post đưa tin.
Đây sẽ là lần đầu tiên ByteDance đề nghị mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư của mình. Công ty đã huy động được ít nhất 9,4 tỷ USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng như Coatue Management và General Atlantic, nhưng một đợt IPO, được coi là một lối thoát hiệu quả, có thể sẽ chưa xảy ra ngay lúc này.
ByteDance cắt giảm hoạt động kinh doanh thua lỗ
Giám đốc tài chính của ByteDance, Julie Gao, đã nói với các nhân viên vào đầu tháng này rằng họ không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Cụ thể, Julie Gao, người từng có kinh nghiệm làm việc tại một số công ty luật quốc tế Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, trước khi gia nhập gã khổng lồ ngành internet Trung Quốc vào tháng 4, đã đưa ra thông báo này trong một cuộc họp trực tuyến cùng với Giám đốc điều hành ByteDance Liang Rubo, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew và một số Giám đốc điều hành cấp cao khác của công ty, theo hai nguồn tin thân cận với vấn đề này.
Ông Liang Rubo cũng cho biết rằng nhiều hoạt động kinh doanh của công ty không đạt được kết quả như kỳ vọng và công ty đã lên kế hoạch cắt giảm đầu vào cho một số mảng kinh doanh không đạt hiệu quả, theo một báo cáo của cơ quan truyền thông công nghệ Trung Quốc LatePost
Trong khi đó, công ty mẹ TikTok lại thường xuyên mua lại cổ phần từ nhân viên của mình. Trong vòng gọi vốn gần nhất, được diễn ra vào tháng 4, đã đặt mức giá mua lại cổ phần của ByteDance ở mức 142 USD/cổ phiếu. Gần đây, họ đã giảm giá quyền chọn mua cổ phiếu cho nhân viên xuống còn 155 USD/cổ phiếu, giảm 20% so với năm 2021.
Được thành lập cách đây một thập kỷ bởi tỷ phú Zhang Yiming trong một căn hộ chung cư, ByteDance đã phát triển thành kỳ lân có giá trị cao nhất thế giới, ngay cả khi mức định giá đã giảm xuống còn 300 tỷ USD. Vào năm 2021, Zhang đã trao lại vai trò CEO và chủ tịch của mình cho người bạn cùng phòng tại trường đại học và đồng sáng lập Liang Rubo.
Dưới sự dẫn dắt của Liang, công ty đã thực hiện chiến dịch “tăng cường cơ bắp và giảm mỡ”, hiểu một cách đơn giản là tăng cường đầu tư vào các mảng kinh doanh có lãi và thu nhỏ hoạt động của các mảng kinh doanh thua lỗ.
Sau khi Trung Quốc siết chặt các hoạt động trong lĩnh vực dạy thêm vào mùa hè năm ngoái, ByteDance đã cắt giảm đáng kể hoạt động kinh doanh giáo dục và nâng gấp đôi các khoản đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Do nền tảng video ngắn Douyin của ByteDance có hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Trung Quốc, nên bất kỳ đợt IPO nào bên ngoài Trung Quốc đại lục đều có thể phức tạp bởi một quy tắc mới, có hiệu lực vào tháng 2, yêu cầu các nền tảng xử lý dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải thực hiện an ninh mạng trước khi lên sàn ở nước ngoài.
Trên thị trường quốc tế, sản phẩm đặc trưng của ByteDance, TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao nhất kể từ thời chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, liên quan tới vấn đề bảo mật dữ liệu và các mối liên hệ được ghi nhận với chính quyền Bắc Kinh.
Tuần trước, một số thượng nghị sĩ của Mỹ đã đặt câu hỏi với Vanessa Pappas, Giám đốc điều hành của TikTok, người nói rằng ứng dụng xem video ngắn này đã duy trì kiểm soát truy cập nghiêm ngặt đối với dữ liệu khách hàng của mình.