|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty mẹ TikTok không có kế hoạch IPO

21:06 | 02/09/2022
Chia sẻ
Giám đốc tài chính của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance mới đây đã bác bỏ kế hoạch IPO. Ông tiết lộ một phần nguyên nhân khiến công ty mẹ TikTok từ bỏ kế hoạch này là do một số mảng kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Giám đốc tài chính của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance, công ty mẹ của mạng xã hội nổi tiếng TikTok, mới đây đã tiết lộ với các nhân viên trong một cuộc họp nội bộ rằng công ty này không có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), theo South China Morning Post.

Cụ thể, Julie Gao, người từng có kinh nghiệm làm việc tại một số công ty luật quốc tế Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, trước khi gia nhập gã khổng lồ ngành internet Trung Quốc vào tháng 4, đã đưa ra thông báo này trong một cuộc họp trực tuyến cùng với Giám đốc điều hành ByteDance Liang Rubo, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew và một số Giám đốc điều hành cấp cao khác của công ty, theo hai nguồn tin thân cận với vấn đề này.

Ông Liang Rubo cũng cho biết rằng nhiều hoạt động kinh doanh của công ty không đạt được kết quả như kỳ vọng và công ty đã lên kế hoạch cắt giảm đầu vào cho một số mảng kinh doanh không đạt hiệu quả, theo một báo cáo của cơ quan truyền thông công nghệ Trung Quốc LatePost, nơi đầu tiên xác nhận tin tức về kế hoạch IPO của ByteDance.

ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, được thành lập bởi doanh nhân tỷ phú Zhang Yiming một thập kỷ trước, là công ty công nghệ tiêu dùng lớn nhất của Trung Quốc vẫn chưa lên sàn. Các nhân viên sở hữu cổ phần của công ty đang sẵn sàng chờ đợi một làn sóng tăng giá mạnh nếu ByteDance chính thức IPO.

Kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance không có kế hoạch IPO. (Ảnh: Tech in Asia).

Kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance, được rót vốn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm gồm Sequoia Capital, General Atlantic và Hillhouse Capital Group, cũng từng khẳng định trong một tuyên bố được đưa ra vào tháng 4/2021 rằng họ không có bất kỳ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng nào trong thời gian tới.

Ban lãnh đạo ByteDance đã chia sẻ với các nhân viên trong một email vào ngày 1/9 rằng công ty sẽ cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu ở mức 155 USD/cổ phiếu, theo một báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc The Paper. Mức giá này thấp hơn khoảng 20% ​​so với mức 195 USD/cổ phiếu được đưa ra vào năm ngoái.

Công ty cũng được cho là đang chuẩn bị cung cấp các quyền chọn cổ phiếu không đầu tư với giá trên 155 USD/cổ phiếu cho khoảng 30.000 trong số 110.000 nhân viên của mình. Hiện tại, phía ByteDance vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Với việc kế hoạch IPO vẫn chưa được thực hiện trong bối cảnh những thay đổi về quy định và sự bất ổn về kinh tế tại Trung Quốc, ByteDance đã cung cấp các chương trình mua lại cổ phần hai lần một năm kể từ năm 2017, cho phép nhân viên bán tài sản (cổ phiếu) để đổi lấy tiền.

Công ty mẹ TikTok cũng vận hành một ứng dụng tương tự TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc mang tên Douyin. ByteDance từng được định giá lên tới 400 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao, mặc dù con số đó đã giảm xuống còn khoảng 300 tỷ USD khi triển vọng tăng trưởng dần mờ nhạt.

ByteDance mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác nhau

Năm ngoái, tỷ phú Zhang Yiming thông báo ông sẽ thôi giữ chức Giám đốc điều hành và giao quyền quản lý hàng ngày của công ty cho người bạn cùng phòng tại trường đại học và đồng sáng lập là Liang Rubo. Doanh nghiệp cũng đã tiến hành một cuộc cải tổ công ty để tổ chức các hoạt động kinh doanh rộng lớn của mình thành 6 phân khúc.

Dưới sự dẫn dắt của ông Liang Rubo, công ty đã thực hiện chiến dịch “tăng cường cơ bắp và giảm mỡ”, tức tăng cường đầu tư vào các mảng kinh doanh có lãi, trong khi thu nhỏ quy mô các hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Sau khi Trung Quốc cấm lĩnh vực dạy thêm vì lợi nhuận nhắm vào học sinh kể từ mùa hè năm ngoái, ByteDance đã cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư liên quan tới ngành kinh doanh giáo dục và tăng gấp đôi các khoản đầu tư liên quan tới ngành chăm sóc sức khỏe.

Gần đây, công ty đã thực hiện thương vụ đầu tư lớn vào lĩnh vực này thông qua việc mua Amcare Healthcare, chuỗi bệnh viện tư nhân lớn nhất Trung Quốc chuyên về sản phụ khoa. Các nhà phân tích cho biết thỏa thuận này có thể nâng cao vị thế của ByteDance trên thị trường chăm sóc sức khỏe trực tuyến đang bùng nổ tại thị trường tỷ dân.

Bên cạnh đó, ByteDance cũng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, đầu tháng 8, công ty mẹ TikTok đã công bố mối quan hệ đối tác với Ele.me, nền tảng giao đồ ăn do gã khổng lồ Alibaba Group Holding hậu thuẫn, qua đó sẽ cho phép 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trên Douyin.

Thông qua mối quan hệ hợp tác này, Ele.me sẽ quảng bá dịch vụ từ hàng triệu nhà hàng và cửa hiệu thông qua các video trên Douyin, theo thông cáo báo chí chung của các công ty.

Ngoài ra, công ty mẹ TikTok cũng đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử khi mở rộng quy mô của TikTok Shop ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Trước đó, tính năng mua sắm trực tuyến lần đầu tiên được ra mắt tại Indonesia và Vương quốc Anh vào đầu năm ngoái.

Doanh Chính