|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Công ty liên quan ông Kiều Hữu Dũng thoái xong toàn bộ 31 triệu cổ phiếu FIT sau hơn hai năm 'đu đỉnh'

07:10 | 24/09/2019
Chia sẻ
Sau khi thoái vốn tại Tập đoàn F.I.T, DPV thu về hơn 105 tỉ đồng, tương đương mức lỗ khoảng 64% sau hơn hai năm.

CTCP Phát triển Bất động sản DPV vừa công bố thông tin bán xong toàn bộ 30,98 triệu cổ phiếu FIT, tương đương 12,16% vốn cổ phần của CTCP Tập đoàn F.I.T (Mã: FIT). Giao dịch được thực hiện từ ngày 23/8 đến 17/9 theo phương thức thỏa thuận.

Đáng chú ý, trong phiên 17/9, cổ phiếu FIT xuất hiện giao dịch thỏa thuận 30,98 triệu đơn vị, đúng bằng số lượng cổ phiếu mà DPV đã bán ra. Giao dịch được thực hiện tại mức giá 3.400 đồng/cp, tương đương tổng giá trị trao tay là 105,33 tỉ đồng.

DPV bắt đầu rót vốn vào Tập đoàn F.I.T từ tháng 8/2017 với việc mua vào 15 triệu cổ phiếu FIT, tại vùng đỉnh 12.000 đồng/cp.

Ngay sau thời điểm DPV rót vốn, cổ phiếu FIT đã liên tục giảm mạnh. Đến tháng 3/2018, cổ đông này tiếp tục mua thêm gần 16 triệu cổ phiếu FIT khi giá ở mức quanh 7.000 đồng/cp. 

Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu FIT vẫn tiếp tục chuỗi giảm giá, đến đầu năm 2019 chỉ còn khoảng 2.500 đồng/cp. Bắt đầu từ tháng 3/2019, cổ phiếu này có dấu hiệu hồi phục tuy nhiên mức độ không đáng kể, đến thời điểm hiện tại FIT giao dịch quanh mức giá "trà đá" khoảng 3.400 đồng/cp. 

Tạm tính theo các mức giá tương ứng tại thời điểm mua, ước tính tổng số tiền DPV đầu tư vào FIT ở mức khoảng 292 tỉ đồng. Sau khi "cắt lỗ", giá trị khoản đầu tư của DPV chỉ còn hơn 105 tỉ đồng, tương ứng mức lỗ khoảng 64% sau hơn hai năm đầu tư.

fit

Cổ phiếu FIT liên tục giảm giá kể từ thời điểm DPV bắt đầu rót vốn. Nguồn: VNDirect

Một chi tiết đáng lưu ý, DPV được góp vốn và điều hành bởi các lãnh đạo có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư và tài chính ngân hàng. Trong đó, ông Kiều Hữu Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của công ty.

DPV được thành lập năm 2014 với vốn điều lệ ban đầu 868 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thời điểm mới thành lập, ông Dũng chính là cổ đông lớn nhất của DPV với số vốn góp 347,2 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40%. Khi đó, ông Dũng cũng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện thep pháp luật của DPV.

Bên cạnh đó, một nhóm tài chính khác cũng tham gia quá trình sáng lập nên Phát triển Bất động sản DPV là nhóm cổ đông có liên quan đến ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Doji và cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (do ông Phú làm Chủ tịch) góp vốn 103,2 tỉ đồng (tỉ lệ 15%), trong khi bà Đỗ Vũ Phương Anh (con gái ông Phú) góp 43,4 tỉ đồng (tỉ lệ 5%).

Trải qua nhiều lần điều chỉnh vốn điều lệ, thậm chí có thời điểm tăng lên 3.111 tỉ đồng, đến thời điểm hiện tại vốn điều lệ của DPV lại giảm về mức ban đầu là 868 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của công ty sau lần thay đổi gần nhất không được tiết lộ.

Sơn Tùng

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.