|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty đằng sau Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam

08:04 | 28/11/2020
Chia sẻ
Mảng logistics ở Việt Nam có nhiều thách thức lớn song quy mô đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của nhiều cái tên, cả địa phương và khu vực.

Temasek (quĩ đầu tư Singapore) muốn hỗ trợ các "startup kì lân nhiều tham vọng" ở Đông Nam Á. Năm ngoái, startup lĩnh vực logistics thương mại điện tử của Việt Nam Scommerce lọt vào tầm ngắm, TechInAsia đưa tin.

Vòng gọi vốn 100 triệu USD của Scommerce do Temasek dẫn dắt là một trong ba thương vụ khiến hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đạt đỉnh hồi năm 2019. Một năm trước đó, Scommerce đã nhận 30 triệu USD từ một quĩ đầu tư tư nhân khác.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 1.

GHN là một thương hiệu nằm trong hệ thống Scommerce. Ảnh: GHN

Scommerce cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối và giao hàng theo yêu cầu. Công ty hiện đang tập trung phục vụ thị trường trong nước.

Scommerce có cơ sở cho quyết định của mình: Việt Nam là một trong những quốc gia có chi phí logistics cao nhất thế giới, tương đương khoảng 20% GDP. Bên cạnh đó, 98% công ty Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhu cầu giải pháp giao nhận tốt hơn, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019.

Cũng theo báo cáo, số lượng đơn hàng được các công ty logistics xử lí tăng trung bình 45% trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020. Đến cuối năm nay, con số có thể chạm mốc 530 triệu đơn hàng.

Trong khi đó, báo cáo e-Conomy của Google, Temasek và Bain & Co dự phóng giá trị nền kinh tế số của Việt Nam có thể chạm mốc 52 tỉ USD vào năm 2025 (chỉ xếp sau Thái Lan và Indonesia với dung lượng lần lượt là 53 tỉ USD và 124 tỉ USD). 

Ngay cả trong đại dịch, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng khi người dùng "đổ xô" mua hàng trực tuyến. Từ đó, nhu cầu giao nhận cũng cao lên.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 2.

Giá trị của nền kinh tế số tại Việt Nam, theo ước tính của Temasek, Google và Bain & Co, đơn vị: tỉ USD. (Ảnh: TechInAsia).

Đây là lí do vì sao một số đối thủ trong khu vực như Ninja Van, Lalamove, và J&T Express cũng nhanh chân "tham chiến" tại Việt Nam. Sea Group thậm chí còn âm thầm thâu tóm Giao Hàng Tiết Kiệm vào năm 2017. Trong khi đó, Grab và Gojek cạnh tranh ở mảng giao hàng theo yêu cầu.

Vậy liệu Scommerce liệu có thể bảo vệ lợi thế sân nhà của mình?

Xây dựng hệ thống công nghệ

Tiền thân của Scommerce là startup có tên Giao Hàng Nhanh (GHN). GHN được sáng lập vào năm 2012 bởi một nhóm cựu nhân sự Thế Giới Di Động.

Scommerce (viết tắt của "services for commerce", tạm dịch: Dịch vụ cho thương mại) chính thức thành lập vào năm 2017 và sau đó đưa GHN vào hệ sinh thái lớn hơn và tham vọng hơn. Đến năm 2018, Scommerce vượt mốc doanh thu 100 triệu USD.

Để làm điều này, Scommerce trở thành đối tác giao hàng của nhiều sàn TMĐT lớn ở Việt Nam như Shopee, Tiki, Sendo và Lazada cùng với đó là hơn 100.000 nhà bán hàng trực tuyến quy mô vừa và nhỏ khác.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 3.

Các mảng kinh doanh nằm trong hệ sinh thái của Scommerce: GHN Express (giao hàng TMĐT), GHN Logistics (giao hàng B2B, dịch vụ nhà kho, xử lý kho hàng), AhaMove (giao hàng theo yêu cầu) và Gido (giao hàng qua biên giới). (Ảnh: TechInAsia).

GHN nhận hỗ trợ tài chính và chiến lược sớm từ Seedcom. Trong một bài phỏng vấn với TechInAsia vào năm 2013, ông Lương Duy Hoài, khi đó là CEO GHN, nói rằng GHN đặt mục tiêu phát triển "một dịch vụ uy tín" có thể đưa TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới.

Thời điểm đó, mảng giao hàng vẫn bị thống trị bởi các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống hoặc các dịch vụ bưu điện do nhà nước sở hữu và họ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của các sàn TMĐT, theo nhận định của TechInAsia

"Thời điểm năm 2012, Shopee chưa đến Việt Nam, Lazada mới chỉ khởi động còn Tiki vừa thành lập hai năm. Để giải quyết vấn đề niềm tin, chúng tôi cần tăng mức độ nhận diện cũng như tính minh bạch trong toàn bộ các đơn hàng", ông Lương Duy Hoài nói.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Lương Duy Hoài, đồng sang lập và CEO Scommerce. (Ảnh: Scommerce).

Tương tự các công ty logistics truyền thống, GHN có đội xe riêng với đội ngũ tài xế làm việc toàn thời gian. Dù vậy, ngay từ đầu, GHN dành nhiều sự quan tâm cho mảng công nghệ.

GHN cho phép cả người bán và người mua theo dõi đơn hàng thông qua một bảng thông tin kết nối với API (giao diện lập trình ứng dụng) của các sàn TMĐT. Bên cạnh đó, GHN cũng cố gắng tối ưu tuyến đường cho nhân viên giao hàng.

Những tính năng nói trên có thể không quá đáng chú ý ở thời điểm hiện tại, song ở thời điểm cách đây khoảng 10 năm, chúng là những giá trị gia tăng cực lớn đối với nhà bán hàng. 

Xây dựng hệ sinh thái

Năm 2014, GHN bắt đầu thực hiện thử nghiệm tuyển dụng nhân viên giao hàng bán thời gian. Một năm sau đó, AhaMove, nền tảng theo yêu cầu tự mô tả mình là "Uber mảng giao hàng", tách ra Từ GHN.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 5.

Thành lập năm 2015, AhaMove là dịch vụ giao hàng theo yêu cầu khá phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: AhaMove).

"Chúng tôi cũng may mắn vì Uber và Grab đang cạnh tranh lẫn nhau để thống trị thị trường Việt Nam vào thời điểm đó", ông Hoài chia sẻ. Grab ra mắt GrabExpress vào năm 2015 song chỉ dưới dạng một dịch vụ gia tăng nằm trong hệ sinh thái của công ty, trong khi đó Uber rời Đông Nam Á vào năm 2018.

Hiện đang hoạt động như một công ty con riêng trong hệ thống Scommerce, AhaMove như một cánh tay nối dài cho GHN, giúp GHN đáp ứng nhu cầu giao hàng tăng vọt đặc biệt trong các lễ hội khuyến mại kích cầu mua sắm.

Khó nhưng không ngại

Giao hàng chặng cuối thường là giai đoạn đắt đỏ nhất trong quá trình giao hàng. Vì thế, nó yêu cầu việc tối ưu lộ trình và mật độ di chuyển.

Với các công ty giao hàng, hình thức thanh toán nhận hàng trả tiền (COD) luôn là một "điểm đau" lớn khi có thể xảy ra rủi ro. Ngoài ra, họ cũng phải cạnh tranh với dịch vụ bưu điện khi giao hàng tới những người ở vùng sâu vùng xa, nhóm chiếm tới 63% dân số Việt Nam.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 6.

Ninja Van là một công ty logistics đang hoạt động ở Việt Nam. (Ảnh: Ninja Van)

Dẫu vậyÍt nhất 50 startup đang cung cấp dịch vụ logistics cho TMĐT ở Việt Nam, ở cả phân khúc chặng đầu và chặng cuối, theo ước tính của Do Ventures. 

Cả giao hàng chặng đầu và chặng cuối đều chứng kiến "tăng vọt khi khách hàng tìm kiếm các phương án mua sắm tiện lợi và an toàn hơn" vì COVID-19, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và đối tác của Do Ventures.

Ninja Van tiến vào Việt Nam vào năm 2018 và nhanh chóng mở rộng mạng lưới ra toàn quốc. Công ty Singapore hiện đang được xem là startup logistics công nghệ nhận nhiều vốn đầu tư nhất Đông Nam Á. Đầu năm nay, Ninja Van nhận có thêm 279 triệu USD đầu tư. Bên cạnh đó, công ty hưởng lợi từ hợp tác với Grab trong khu vực.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ninja Van Việt Nam, công ty tập trung phục vụ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), gồm cả những nhà bán hàng trên nền tảng xã hội như Facebook, Instagram và Zalo.

Mối đe doạ với Scommerce?

Một đối thủ đáng chú ý của Scommerce là Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK). Nhiều người thậm chí ví cạnh tranh giữa GHN vàGHTK ở Việt Nam không khác gì cạnh tranh của Grab và Gojek. 

Được thành lập vào năm 2013, GHTK cũng nhận khá nhiều vốn đầu tư. Năm 2017, Sea thâu tóm startup này với số tiền không được tiết lộ. Nhờ đó, GHTK cũng có thêm sức mạnh từ sự phổ biến của Shopee (nằm chung trong hệ sinh thái của Sea ở Việt Nam).

Dữ liệu mới nhất của iPrice cho thấy Shopee có khoảng 62,7 triệu lượt truy cập hàng tháng qua web, cao hơn 3 lần thành tích của Tiki và Lazada. Doanh thu của Giaohangtietkiem cũng tăng 6 lần vào năm 2018 sau khi về tay Sea.

Mặt khác, các sàn TMĐT cũng đang đầu tư lớn vào mảng logistics. Điều này có thể dẫn đến giảm phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp dịch vụ bên thứ ba.

'Ông chủ' Giao Hàng Nhanh, AhaMove với cuộc chiến 'trong nguy có cơ' ở mảng logistics Việt Nam - Ảnh 7.

(Ảnh: TechInAsia).

TikiNow cam kết giao hàng 2 giờ ở các thành phố lớn cho hơn 100.000 sản phẩm trên Tiki. Lazada Express cũng cạnh tranh với dịch vụ giao hàng từ 2 giờ đến 4 giờ đồng thời cung cấp dịch vụ trung tâm 24/7 nơi khách hàng có thể tự tới lấy hàng.

Trong khi đó, Shopee Express giao hàng 4 giờ ở một số quận tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, còn Sendo hợp tác với GrabExpress để giao hàng trong vòng 3 giờ ở một số khu vực.

Tập trung cho thị trường trong nước

Bà Đỗ Thị Thuý Hằng, Giám đốc vận hành Scommerce, đồng ý với quan điểm mảng giao hàng TMĐT sẽ "phức tạp hơn" trong những năm tới. Tuy nhiên, bà khẳng định Scommerce có sự cân bằng lành mạnh giữa phục vụ các sàn TMĐT và phục vụ trực tiếp các SME và các nhà bán hàng trên mạng xã hội.

"Thị trường SME ở Việt Nam đủ lớn và sẽ không có một đơn vị đơn lẻ nào đủ sức phục vụ tất cả", bà Hằng nói.

Tại sự kiện TechInAsia 2020 Conference, bà Hằng khẳng định các đối thủ như Ninja Van hay J&T Express đã mang đến áp lực cho các công ty địa phương khi phải sáng tạo nhanh hơn và làm tốt hơn.

Hồi năm 2017, Scommerce thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn Lala trong một thời gian ngắn song đóng cửa một thời gian ngắn sau đó. Gido, dịch vụ xuyên biên giới của Scommerce, cũng được xem đã đã dừng hoạt động từ cuối năm ngoái. 

Bà Hằng không chia sẻ về việc Gido đóng cửa song nói rằng giao hàng xuyên biên giới hiện chưa phải là ưu tiên của Scommerce.

Vì COVID-19 đang làm chậm lại nhiều kế hoạch mở rộng, giới phân tích dự đoán các công ty logistics TMĐT sẽ sớm phải đa dạng hoá dịch vụ cung cấp sang cả lĩnh vực logistics truyền thống (B2B và bán lẻ) để có "doanh thu dễ dự đoán hơn và biên lợi nhuận cao hơn".

Ở trường hợp của Việt Nam, bà Lê Hoàng Uyên Vy dự đoán "chiến trường" TMĐT tiếp theo sẽ nằm bên ngoài Hà Nội và TP HCM, đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp dịch vụ logistics TMĐT sẽ phải tập trung hỗ trợ khách hàng và các nhà bán lẻ ở các tỉnh thành nhỏ hơn nữa.

"Chúng tôi còn nhiều vốn để sử dụng. Công ty sẽ không gọi một vòng gọi vốn lớn hơn cho tới giai đoạn sau. Điều này khiến chúng tôi đạt được kỉ luật về việc rót tiền vào đâu, như thế nào và làm sao để đưa hoạt động kinh doanh đến mục tiêu có lợi nhuận", bà Hằng khẳng định.

Thái Sơn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.