|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Shark Liên trở lại điều hành Bảo hiểm Viễn Đông, kỳ vọng cổ phiếu sớm giao dịch trên UPCoM

13:00 | 29/06/2022
Chia sẻ
Với sự trở lại của Shark Liên, Bảo hiểm Viễn Đông được kỳ vọng sẽ bước ra khỏi giai đoạn khó khăn và dự kiến có nhiều sự thay đổi trong thời gian tới và gần nhất là việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.

 Bà Đỗ Thị Kim Liên - Shark Liên trong chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank).

Bóng dáng của Shark Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông

Được mệnh danh là "nữ hoàng ngành bảo hiểm", mới đây bà Đỗ Thị Kim Liên (hay Shark Liên, người sáng lập ra bảo hiểm AAA) đã quay trở lại với vai trò Tổng Giám đốc điều hành tại Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), theo thông tin từ website của doanh nghiệp này.

Sau đó không lâu, ngày 23/6, Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho cổ phiếu IFA của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông. Thông tin cho biết VASS đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và đang chờ quyết định từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Công ty bảo hiểm phi nhân thọ VASS được thành lập từ năm 2003. Sau gần 20 năm hoạt động công ty đã nâng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng và có gần 100 chi nhánh, văn phòng giao dịch tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Gần 20 năm hình thành và phát triển của VASS không thể thiếu hình bóng của Shark Liên khi bà nắm giữ vị trí cố vấn cấp cao tại VASS từ năm 2013 đến nay. Thời điểm đó, Shark Liên không trực tiếp góp cổ phần vào công ty nhưngbà Đỗ Thị Minh Đức, em gái của Shark Liên, là Chủ tịch HĐQT tại VASS. 

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019, cổ đông lớn nhất tại VASS là CTCP Thủ phủ Tre (tiền thân của Tập đoàn Bamboo Capital – Mã: BCG), sở hữu 52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Thủ phủ Tre chỉ là công ty nhận ủy thác đầu tư từ bà Đỗ Thị Minh Đức.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của VASS năm 2019.

Danh sách cổ đông của VASS có lẽ đã có nhiều thay đổi sau đó. Trong lần tăng vốn từ 500 tỷ lên 700 tỷ đồng, bà Đỗ Thị Kim Liên nằm trong danh sách nhà đầu tư được chào bán cổ phần với quyền mua 6,3 triệu cổ phiếu. 

Cùng với đó, CTCP Bamboo Capital bán cho Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus, tổng 14 triệu cổ phiếu; giao dịch của ông Tạ Bình Nguyên và bà Trương Ngô Sen chuyển cho CTCP Đầu tư Một Trăm, mỗi bên 4,5 triệu cổ phiếu.

Công ty AAA Plus nói trên do Shark Liên là người sáng lập và làm Chủ tịch. Còn CTCP Đầu tư Một Trăm lại do bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái Shark Liên là người đại diện pháp luật. Cả hai công ty đều đặt trụ sở tại số 19 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM - trùng địa chỉ với VASS. 

Kết quả chào bán cổ phần hiện chưa được công bố rộng rãi, tuy nhiên hiều khả năng cơ cấu cổ đông của công ty bảo hiểm đã có sự biến động.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của VASS diễn ra trong ngày 31/5/2021, bà Liên được bầu làm Thành viên HĐQT của VASS nhiệm kỳ 2019 – 2023,bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái bà Liên, nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VASS. Ngoài ra, bà Phạm Phương Chi, con gái shark Liên cũng là Thành viên HĐQT, cổ đông lớn của VASS với tỷ lệ sở hữu 5,7143% vốn, theo thông tin từ Dân trí.

Kinh doanh đi xuống, chưa xóa được lỗ lũy kế

Theo số liệu người viết có được, dù có lãi trong 3 năm liên tiếp nhưng tính đến cuối tháng 6/2020, VASS vẫn chưa thể xóa hết số lỗ của những năm trước để lại. Tại ngày 30/6/2020, lỗ lũy kế của VASS gần 350 tỷ đồng, bằng một nửa vốn góp chủ sở hữu.  

Để có đủ điều kiện giao dịch trên UPCoM, VASS phải xử lý được khoản lỗ luỹ kế tồn đọng này.

Năm 2016, VASS ghi nhận doanh thu gấp đôi năm trước, đạt 1.621 tỷ đồng. Cũng từ đây, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm của VASS dao động khoảng 2.800 tỷ đồng giai đoạn 2017 – 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận tụt dốc, từ 249 tỷ mức đỉnh về 92 tỷ đồng. 

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của VASS.

Số liệu từ báo cáo tài chính đã kiểm toán theo năm cho thấy lợi nhuận ròng của VASS sụt giảm đến từ việc chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày một tăng cao.

Qua nhiều năm, chi phí mua ngoài luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của công ty. Cùng với đó, các loại chi phí cho hoa hồng bảo hiểm, chi phí nhân công cũng tăng nhanh. Chi phí khen thưởng đại lý mới phát sinh từ năm 2017 cũng trở thành loại chi phí thường niên ngốn của VASS trên 230 tỷ đồng năm 2019. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của VASS.

Bên cạnh đó, mảng đầu tư tài chính của VASS cũng không mấy khả quan khi lỗ hơn 15 tỷ trong năm 2019 và cải thiện hơn trong nửa đầu năm 2020 với mức lỗ hơn 500 triệu đồng.

Tại cuối năm 2019, lượng tiền, tương đương tiền của VASS là 70 tỷ, đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là gửi ngân hàng) là 110 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn 275 tỷ đồng.

Trong các khoản đầu tư dài hạn, VASS cũng phải trích lập dự phòng hơn 69 tỷ cho một số khoản đầu tư thua lỗ. Trong đó có khoảng đầu tư vào CTCP Chứng khoán Viễn Đông (đã giải thể năm 2016) và CTCP Dịch vụ Đầu tư LIAN có liên quan đến Shark Liên (mới thành lập tháng 5/2019). Còn phần tiền 15 tỷ rót vào CTCP Bột mì Bình An và CTCP Luyện Cán Thép Phú Thọ dự kiến mất vốn toàn bộ.

 Danh mục lập dự phòng đầu tư dài hạn của VASS. (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.