|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp vay nợ nghìn tỷ, khát vốn lưu động nhưng vẫn đầu tư cổ phiếu, danh mục có GEX, TCB, VPB, SHS, IPA

11:06 | 21/06/2022
Chia sẻ
Với nhu cầu vốn cao do cơ cấu tài sản của PLP phần lớn tập trung ở các khoản phải thu và hàng tồn kho và tài sản cố định, Nhựa Pha Lê đã liên tục huy động vốn mới trong những năm gần đây từ kênh ngân hàng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Song, nhưng Nhựa Pha Lê cũng đang dùng tiền để đầu tư cổ phiếu với danh mục gồm nhiều cổ phiếu "hot".

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 mới công bố của CTCP công nghệ Nhựa Pha Lê (Mã: PLP), công ty cho biết năm 2021, do việc tăng vốn không được chấp thuận nên việc đầu tư nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh được tài trợ chủ yếu từ vốn vay, nhất là vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động.

Thực tế, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của Nhựa Pha Lê, công ty đi vay tổng cộng 1.362 tỷ đồng tính đến ngày 31/12 từ các ngân hàng, trong đó hơn 1.222 tỷ đồng là nợ đi vay ngắn hạn, gần gấp đôi ngày đầu năm. Số nợ vay này chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn của công ty là 2.616 tỷ đồng. Năm vừa rồi, doanh nghiệp phải trả gần 79 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Nguồn đi vay của Nhựa Pha Lê thường chiếm tỷ lệ trên 50% tổng nguồn vốn của công ty. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của Nhựa Pha Lê). 

Như trong tài liệu ĐHĐCĐ, doanh nghiệp sử dụng vốn vay trên nghìn tỷ chủ yếu để tài trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, công ty vẫn dành một phần vốn để đầu tư cổ phiếu trong năm 2021 với giá gốc xấp xỉ 120 tỷ đồng.

Số cổ phiếu này được ghi nhận giá trị hợp lý trên 153 tỷ đồng vào cuối năm, tương ứng mức lãi khoảng 27,5% trong giai đoạn thị trường chứng khoán hưng phấn.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC đã kiểm toán năm 2021 của PLP.

Danh mục đầu tư chứng khoán của Nhựa Pha Lê hầu hết là cổ phiếu của các công ty mảng tài chính, gồm TCB của Ngân hàng Techcombank, SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội, bên cạnh GEX của Tập đoàn Gelex và Tập đoàn I.P.A – công ty có liên quan mật thiệt tới Chứng khoán VNDirect. 

Nhìn lại giai đoạn năm 2021, giá các cổ phiếu trong danh mục đầu tư nói trên tăng rất mạnh, tính bằng lần, trong đó cổ phiếu IPA tăng gấp 5 lần từ 7.000 đồng/cp từ đầu năm và chạm tới 60.000 đồng/cp ngày 31/12/2021.

Đến cuối quý I/2022, PLP vẫn giữ nguyên danh mục đầu tư này. Tuy nhiên, hiện giá thị trường của cổ phiếu đã giảm sâu so với năm 2021, dẫn đến nhiều khả năng Công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này.

Trong khi đó, với nhu cầu vốn cao (do cơ cấu tài sản của PLP phần lớn tập trung ở các khoản phải thu và hàng tồn kho và tài sản cố định), Nhựa Pha Lê phải liên tục huy động vốn mới trong những năm gần đây từ kênh ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Giá trị thị trường của các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Nhựa Pha Lê tính đến ngày 20/6/2022. (Nguồn: MH tổng hợp).

Mới đây, Nhựa Pha Lê vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án chào bán 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, dự kiến huy động 100 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ để thanh toán nợ vay ngân hàng, còn lại là bổ sung vốn lưu động.

Trước đó hồi đầu tháng 3, Nhựa Pha Lê cũng đã chào bán thành công 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng. Nếu đợt chào bán này thành công, vốn điều lệ của Nhựa Pha Lê sẽ nâng lên mức 700 tỷ đồng.

Đại diện Nhựa Pha Lê cũng nói thêm, khi việc kinh doanh đi vào ổn định, công ty sẽ dùng nguồn lợi nhuận giữ lại để bổ sung hoạt động, từ đó giảm vay ngân hàng và giảm bớt gánh nặng tài chính.

Nhựa Pha Lê được thành lập năm 2008, chuyên kinh doanh hạt nhựa. Hiện công ty đang sở hữu 6 mỏ khoáng sản: 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An, 1 mỏ đá tại Tuyên Hóa – Quảng Bình. Trong đó mỏ đá Granite tại Ninh Thuận có trữ lượng 1,3 triệu m3, là mỏ đá duy nhất tại Việt Nam có hệ thống đường sắt đi vào tận cửa mỏ.

Những năm gần đây, Công ty tập trung vào chế biến sâu hơn như CaCO3 (Filler masterbatch). Công ty cũng đầu tư lớn vào sản phẩm sàn đá công nghệ SPC thông qua khoản đầu tư vào công ty con là CTCP Hoàng Gia Pha Lê có nhà máy đặt tại Đồng Nai.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021 ghi nhận lãi trước thuế tăng đột biến lên 122 tỷ đồng sau kiểm toán. Trong đó, "thu nhập tài chính" góp gần 85 tỷ đồng được PLP lý giải là "doanh thu từ hợp nhất kinh doanh"

Lãnh đạo Công ty cho biết đây là năm đầu tiên hai dự án sản xuất sàn đá công nghệ SPC tại liên doanh CTCP Hoàng Gia Pha Lê và dự án khu nhà ở chung cư và dịch vụ sau đường bao biển Lán Bè - Cột 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long đem lại hiệu quả cho công ty.

Trước kiểm toán, mức lãi mà Công ty tự lập lên đến 144 tỷ đồng, cao hơn 22 tỷ đồng so với con số sau kiểm toán. PLP cho biết "do trích lập các khoản dự phòng các khoản đầu tư theo quy định chuẩn mực kế toán mới và việc áp dụng quy định loại trừ chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có các giao dịch liên kết theo nghị định 68/2020/NĐ-CP".

Quý I/2022, Nhựa Pha Lê ghi nhận doanh thu tăng 52% lên 698 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 16 tỷ, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng thực hiện được 18% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của PLP.

Minh Hằng