Công ty Apatit Việt Nam 'cầm cự' chờ thời
Trong đó, hai trong số ba nhà máy tuyển của đơn vị này đã phải ngừng sản xuất trong một tháng dẫn tới trên 1.300 công nhân của vùng mỏ Apatit bị mất việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Hiện tại để tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón, công ty đang sử dụng nốt nguồn nguyên liệu còn tồn nhằm "cầm cự" trong 1 - 2 tuần và chờ đợi quyết định tiếp theo.
Ở vùng mỏ vẫn thiếu quặng sản xuất
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) là đơn vị thành viên duy nhất của Vinachem có ba nhà máy đủ năng lực tuyển quặng 3 thành quặng tinh, gồm Nhà máy tuyển Tằng Loỏng công suất 900.000 tấn/năm, tuyển Cam Đường công suất 120.000 tấn/năm và tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm.
Tổng công suất cả ba nhà máy tuyển là 1,37 triệu tấn quặng tinh/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón trong cả nước như DAP-1 Hải Phòng (khoảng 400 nghìn tấn/năm); DAP-2 (Tằng Loỏng) 400 nghìn tấn/năm; Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) 350 nghìn tấn/năm...
Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù nằm ở vùng mỏ Apatit của Việt Nam nhưng nhiều năm qua Công ty Apatit Việt Nam lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Cường, Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam cho biết, quặng 3 được đơn vị khai thác từ khi bắt đầu thành lập nhưng trước đây do hạn chế về công nghệ tuyển nên phải lưu trữ lại.
Hiện nay, còn khoảng trên 20 triệu tấn được tích trữ lại tại 14 kho lưu. Công ty Apatit Việt Nam hiện vẫn lưu giữ đầy đủ thẻ kho, hồ sơ giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hình thành của quặng 3 tại các kho lưu này.
Theo Quyết định 1893/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định nguồn quặng lưu kho là nguyên liệu cung cấp cho hai nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Đường của công ty Apatit Lào Cai.
Do vậy có thể khẳng định, đối với quặng 3 hiện đang lưu tại kho không phải khai thác mà chỉ là sử dụng tiếp tài nguyên.
Theo báo cáo của doanh nghiệp, từ trước đến nay, nguồn quặng 3 do khai thác, cộng nguồn quặng 3 tại kho lưu đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Tuy nhiên, kể từ khi Luật Khoáng sản mới được áp dụng, theo quy định phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sử dụng kho lưu quặng 3 mới được hoạt động nhưng do không được cấp phép kịp thời đã dẫn tới thiếu hụt nguồn quặng 3 cho các nhà máy tuyển.
Lường trước việc này, từ năm 2018, Công ty Apatit Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các cấp có thẩm quyền kiến nghị được tiếp tục sử dụng quặng tại các kho lưu làm nguyên liệu cho các nhà máy tuyển.
Tuy nhiên, trong ba năm qua, sự việc vẫn chỉ dừng ở những công văn qua lại mà vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm. Điều này đã dẫn tới tổng khối lượng quặng 3 cung cấp cho ba nhà máy tuyển của Công ty Apatit Việt Nam hiện thiếu khoảng 2.981.300 tấn/năm.
Do thiếu quặng sản xuất đã dẫn tới sản lượng quặng 3 khai thác hiện tại chỉ đủ duy trì sản xuất cho Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn ở mức thấp (sản lượng tuyển quặng khoảng 29 nghìn tấn/tháng, giảm 85 nghìn tấn/tháng so công suất thiết kế).
Vì vậy, đầu tháng 9/2021, công ty buộc phải dừng hai nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Đường, đồng thời thông báo dừng cung cấp quặng tuyển để các đơn vị sản xuất phân bón điều chỉnh giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất trong thời gian tới.
Việc dừng hoạt động hai nhà máy tuyển đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của Công ty Apatit Việt Nam cũng như hệ thống các nhà máy sản xuất phân bón.
Cụ thể, hơn 1.300 người lao động của công ty mất việc làm, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn. Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, khấu hao của các nhà máy tăng lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghĩa vụ nộp ngân sách của doanh nghiệp với nhà nước.
Các đơn vị sản xuất phân bón trong nước cũng bị "phản ứng dây chuyền", dừng sản xuất theo, cùng với khoảng 5.000 lao động có nguy cơ mất việc làm…
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Để hỗ trợ, giúp đỡ cho Công ty Apatit Việt Nam vượt qua khó khăn, UBND tỉnh Lào Cai đã nhiều lần đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Apatit Việt Nam được sử dụng quặng 3 cung cấp cho các nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Đường theo đúng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.
Bên cạnh đó, Vinachem cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Apatit Việt Nam tiếp tục được vận chuyển, sử dụng quặng 3 tại các kho lưu theo Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tuyển trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm nguồn quặng tuyển cho các nhà máy sản xuất phân bón trong nước.
Ngoài ra, để chủ động khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, Công ty Apatit Việt Nam đã tìm cách bổ sung nguồn quặng bị thiếu bằng việc liên hệ mua lại quặng của một số đơn vị được cấp phép khai thác quặng Apatit trên địa bàn nhưng việc này cũng chưa có kết quả khả quan.
Do vậy, việc tiếp tục duy trì sản xuất lâu dài của các nhà máy tuyển thuộc Công ty Apatit Việt Nam chỉ có thể "trông đợi" ở việc được phép sử dụng quặng 3 tại 14 kho lưu đã khai thác từ trước.
Ông Nguyễn Tiến Cường cho biết thêm, trước mắt để tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón, Công ty Apatit Việt Nam đã chỉ đạo các nhà máy tuyển đang tạm dừng hoạt động sử dụng số lượng quặng loại 3 tồn lại tại nhà máy từ trước để sản xuất trở lại từ ngày 3/10.
Tuy số lượng quặng này không nhiều nhưng cũng sẽ giúp các nhà máy tuyển "cầm cự" được trong 1-2 tuần để chờ quyết định từ các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Được biết, ngày 24/9 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Apatit Việt Nam được sử dụng quặng 3 tại các kho lưu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác.
Hy vọng, với những nỗ lực của mình cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, công ty sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống của người lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.