|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vấn đề gây xung đột lợi ích của Thế Giới Di Động xuất phát từ đâu?

10:29 | 08/10/2021
Chia sẻ
Tăng giá bán sản phẩm ở Bách Hoá Xanh hay yêu cầu giảm giá thuê mặt bằng đều là các chính sách thuộc phạm trù kinh doanh không chỉ riêng Thế Giới Di Động mà là của mỗi doanh nghiệp. Nhưng việc thực thi các chính sách một cách thực dụng, áp đặt và thiếu sự đồng thuận luôn để lại những vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên.

Thành lập năm 2004 chỉ với một cửa hàng thegioididong.com tại TP HCM, chỉ sau 8 năm CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã phủ kín 63 tỉnh thành.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động từng ví doanh nghiệp như "một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển". Với tốc độ mở chuỗi thần tốc và lý tưởng dám nghĩ dám làm đã giúp Thế Giới Di Động ra đời thêm loạt chuỗi Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh rồi Bluetronics.

Sau gần hai thập kỷ khuynh đảo, Thế Giới Di Động vững ghế số 1 về bán lẻ thiết bị công nghệ và điện tử tiêu dùng với tổng số cửa hàng của 4 chuỗi lên tới 4.700 cuối tháng 8.

Chính sách 'thắt lưng buộc bụng' của Thế Giới Di Động: Gậy ông đập lưng ông? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của Thế Giới Di Động.

Tuy nhiên, thời gian gần đây sự cố nâng giá bán của Bách Hoá Xanh trong dịch bệnh và câu chuyện giảm giá thuê mặt bằng đang khiến hình ảnh Thế Giới Di Động dần xấu đi trong mắt nhiều người.

Ở sự cố Bách Hoá Xanh dẫu biết chuỗi vẫn còn thua lỗ, dù đã lên tiếng giải thích việc tăng giá do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa… nhưng người tiêu dùng dường như không chấp nhận lời giải thích của MWG trong bối cảnh dịch bệnh.

Cuối tháng 7, ông Nguyễn Đức Tài thẳng thắn thừa nhận với nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ của Bách Hoá Xanh bị ảnh hưởng từ đầu tháng 7 tới đầu tháng 8.

Lần đầu chia sẻ sau sự cố Bách Hoá Xanh, ông Tài cho hay công ty sẽ cố gắng "làm thật, làm đàng hoàng, tử tế thì khách hàng sẽ ở lại với mình" còn bản thân ông không quá bận tâm về những thông tin tiêu cực vừa qua.

Sự kiện Bách Hoá Xanh vừa lắng xuống thì câu chuyện Thế Giới Di Động được cho là ép khách giảm giá thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch bệnh một lần nữa lại tạo làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Tuy nhiên lần này, MWG chưa có phát ngôn hay giải thích nào với truyền thông. Vậy đâu là nguồn cơn của mọi xung đột lợi ích?

Bảo vệ dòng tiền là ưu tiên số 1 

Với một doanh nghiệp bán lẻ như Thế Giới Di Động, mặc dù doanh thu lên đến hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, cho đến trên 100.000 tỷ đồng như năm 2020, thì rủi ro thua lỗ trong kinh doanh vẫn luôn hiện hữu nếu như các chi phí không được quản lý hiệu quả. 

Biên lãi gộp bình quân của Thế Giới Di Động khoảng trên 20%, nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ khoảng 4%. Điều này cũng đồng nghĩa, doanh nghiệp phải quản lý hiệu quả tất các phí tổn từ khâu mua hàng, logistics, đến chi phí thuê mặt bằng,... đồng thời phải nỗ lực giữ cho doanh thu luôn tăng trưởng trên mức tăng tổng chi phí. 

Riêng đối với chi phí mặt bằng - một trong những chi phí cố định lớn trong cơ cấu chi phí của MWG, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài từng nói trong một sự kiện hồi năm ngoái: "Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê".

"Mình khó khăn thật chứ không phải tung hỏa mù cho đối tác", ông Tài giải thích thêm. "Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?"

Năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu 109.800 tỷ đồng. Tính theo tỷ lệ 1,5 - 2% mà ông Nguyễn Đức Tài đưa ra, chi phí thuê mặt bằng năm ngoái vào khoảng 1.650 - 2.200 tỷ đồng. Theo đó, giả sử chi phí này giảm 30%, chi phí này sẽ giảm còn khoảng 1.155 - 1.540 tỷ đồng trong năm ngoái.

Thực tế, giải bài toán mặt bằng cũng là mục tiêu hàng đầu mà các chuỗi bán lẻ hướng đến. Chẳng hạn như Vincommerce cũng cũng từng cho biết mục tiêu sẽ kiểm soát chi phí thông qua việc đàm phán với chủ mặt bằng để giảm chi phí mặt bằng xuống mức ngang đến thấp hơn bình quân của Việt Nam và thế giới.

Tuy vậy, các chính sách mà MWG đưa ra (tương tự mô hình Turnover rent) được cho là quá thực dụng và mới mẻ, ngay lập tức đã gây ra những bất đồng nghiêm trọng với phía chủ nhà.

Bên cạnh chi phí mặt bằng, MWG cho biết đã triển khai nhiều biện pháp tiết giảm chi phí khác như điều chỉnh thu nhập theo nguyên tắc thu nhập càng cao thì giảm càng nhiều (nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện không nhận thù lao) và tối ưu năng suất nhân viên.

Khi đợt dịch lần thứ 4 ập đến, khi chứng kiến khoảng 2.000 cửa hàng, tương đương 70% phải đóng cửa, ngay lập tức, HĐQT quyết định hạ tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm 2020 từ 1.000 đồng/cp xuống còn 500 đồng/cp để ưu tiên bảo vệ dòng tiền.

"MWG không thể kiểm soát được thủy triều lên xuống ra sao mà chỉ có thể tìm cách duy trì hiệu quả", Chủ tịch MWG từng chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét các năm của MWG và báo cáo kinh doanh 8 tháng đầu năm.

Ban điều hành sẽ không có ESOP nếu không đạt chỉ tiêu 10% tăng trưởng lợi nhuận 

Trong nhiều năm liền, chính sách MWG vẫn không thay đổi triết lý kinh doanh của mình. Nhân viên là số một, khách hàng là số hai và cổ đông là số ba. Bất chấp những quan điểm trái chiều, Thế Giới Di Động vẫn không thay đổi về chính sách ESOP. Dù vậy, để có được phần thưởng này, các nhà điều hành của MWG phải luôn nổ lực để đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng.

Lợi thế cạnh tranh chính của MWG nằm ở hai yếu tố chính là con người và văn hoá phục vụ khách hàng. Suy nghĩ cách nào để làm cho nhân viên hiệu quả và khách hàng hài lòng chính là hai thế mạnh của MWG.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động

Trong một báo cáo phân tích cuối tháng 9, SSI Research dự báo năm nay tổng doanh thu của MWG đạt 116.271 tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.486 tỷ; tăng lần lượt 7% và 14% so với năm ngoái.

Năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 125.000 tỷ, 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu so với dự báo của SSI Research đưa ra thì năm nay, MWG sẽ không đạt kế hoạch khi chỉ thực hiện được 93% mục tiêu doanh doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Phía Chứng khoán VCBS dự báo lợi nhuận sau thuế năm nay của MWG có thể đạt 4.331 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ và đạt 91% kế hoạch.

Lưu ý rằng, phần trăm tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của năm nay sẽ là yếu tố quyết định lượng cổ phần ESOP phát hành cho ban điều hành, cán bộ chủ chốt của MWG.

Ví dụ: Lợi nhuận sau thuế năm nay là 4.486 tỷ đồng.

=> Tỷ lệ phát hành ESOP năm 2021 tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành được tính là 0,1*(4.486/3.920 - 1)*100% = 1,44%

Nếu như năm ngoái, chỉ cần lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt trên 80% so với lợi nhuận năm 2019 thì ban lãnh đạo MWG đã được hưởng ESOP.

Còn với năm nay, nếu mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm nay nhỏ hơn 10% thì toàn bộ ban điều hành, cán bộ chủ chốt của MWG sẽ không được nhận ESOP. 

Nếu mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm nay từ 10% trở lên thì tỷ lệ % phát hành ESOP sẽ bằng % tăng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhân với 0,1. Tỷ lệ ESOP bị giới hạn ở ngưỡng 3% trên số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành nhưng không quá 21,5 triệu cổ phiếu.

Chính sách 'thắt lưng buộc bụng' của Thế Giới Di Động: Gậy ông đập lưng ông? - Ảnh 6.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động ở Hà Nội. (Ảnh: H.K).

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Chủ tịch MWG đã chia sẻ ESOP ở MWG là "sự chia sẻ của nhà đầu tư và những con người ngày đêm chiến đấu để tạo ra tăng trưởng của công ty" hay nói cách khác là "chính sách thúc đẩy tăng trưởng cho tập đoàn".

Nếu chính sách ESOP này không còn tồn tại và không được thông qua thì theo ông Tài "đó là dấu hiệu cho thấy thành quả của tập đoàn sẽ không được duy trì và cổ đông sẽ bị thiệt hại". Nói thêm rằng Chủ tịch MWG đã không nhận ESOP kể từ năm 2019.

ESOP là linh hồn, là yếu tố sống còn, thậm chí là một bí kíp cho sự phát triển của MWG

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế Giới Di Động

Trong bối cảnh dịch bệnh nên nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện không nhận thù lao kéo thu nhập giảm. Chưa kể tới việc cổ tức giảm một nửa và nếu còn không được nhận ESOP thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của chính những cán bộ chủ chốt tại MWG. 

Qua đó có thể thấy việc thực thi các chính sách thực dụng, tìm mọi giải pháp để giảm thiểu chi phí không chỉ giúp bảo vệ lợi ích công ty, mà còn gián tiếp tác động lên túi tiền của chính những con người vận hành bộ máy.

Hoàng Kiều