Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng ước tính: ‘Thế Giới Di Động đi một vòng, giảm được 200 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng’
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó như chuyển một phần nguồn vốn ngắn hạn thành trung hạn, dừng kích cầu vì lợi ích thu về không tương xứng, đồng thời cắt giảm mọi khoản chi có thể - trong đó có tiền thuê mặt bằng cửa hàng.
Chia sẻ tại sự kiện Shark Tank Forum tháng 11/2020, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài nói: "Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê".
"Mình khó khăn thật chứ không phải tung hỏa mù cho đối tác", ông Tài giải thích thêm. "Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?"
Theo vị chủ tịch, tỷ lệ chi phí thuê mặt bằng/doanh thu của Thế Giới Di Động là khoảng 1,5 – 2%. "Mặt bằng nào [có tỷ lệ chi phí cao] bất thường là được đưa lên bàn để 'xử'. Các bạn thấy cũng có khá nhiều shop đóng cửa … là bởi vì doanh thu không tương xứng với tiền thuê".
Thế Giới Di Động (MWG) hiện đang quản lý ba chuỗi bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Ngoài ra công ty còn có các thành viên nhỏ hơn như Bluetronics, Nhà thuốc An Khang hay 4K Farm.
Năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu 109.800 tỷ đồng. Tính theo tỷ lệ 1,5 - 2% mà ông Tài đưa ra, chi phí thuê mặt bằng năm ngoái vào khoảng 1.650 - 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là 3.920 tỷ đồng, tăng 22% so với 2019.
Trong 8 tháng đầu năm nay, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đạt doanh thu gần 78.500 tỷ, tăng 8% so cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng 12% lên 3.006 tỷ, thực hiện 63% kế hoạch năm.
Điện Máy Xanh là chuỗi đóng góp nhiều doanh thu nhất nhưng tỷ trọng đang giảm xuống, nhường chỗ cho Bách Hóa Xanh do nhu cầu tiêu dùng trong mùa dịch chuyển từ sản phẩm điện máy sang hàng tiêu dùng nhanh.
Kể từ đầu năm 2021, tháng 8 là tháng kinh doanh sa sút nhất khi gần 2.000 cửa hàng điện thoại và điện máy của MWG phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế.
Thế Giới Di Động trả trước hơn 450 tỷ tiền thuê mặt bằng
Thế Giới Di Động trả trước tiền thuê mặt bằng cho chủ nhà, có thể theo từng đợt ba tháng hoặc lâu hơn tùy theo thỏa thuận giữa các bên.
Theo Thế Giới Di Động, tại ngày cuối tháng 6 năm nay, công ty đã trả trước 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (không quá 12 tháng) và 36 tỷ đồng dài hạn (trên một năm).
Số tiền trả trước thuê mặt bằng tăng lên theo xu hướng tăng của số cửa hàng của MWG. Tại ngày 31/8/2021, MWG có 4.700 cửa hàng, tăng khoảng 600 so với con số ngày cuối năm ngoái.
Những ngày gần đây, một văn bản đề tên và logo Thế Giới Di Động đã được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung đề nghị các chủ mặt bằng giảm 100% tiền thuê khi cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn vì quy định giãn cách xã hội, giảm 70% tiền thuê khi cửa hàng chỉ được bán một cách hạn chế.
Ông Trần Kỷ Mùi, một người cho Thế Giới Di Động thuê mặt bằng làm cửa hàng tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết công ty bán lẻ này đã tự ý giảm tiền thuê trong các tháng 7, 8 và 9 khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Theo tài liệu mà ông Mùi đăng tải trên trang Facebook cá nhân, lẽ ra Thế Giới Di Động phải trả 75 triệu đồng tiền thuê cửa hàng trong ba tháng 7, 8 và 9 nhưng thực tế công ty chỉ chuyển vào tài khoản của ông hơn 24 triệu.
Ông Mùi còn thông tin thêm rằng một người quen của ông cũng cho Thế Giới Di Động thuê cửa hàng còn bị giảm trừ hơn 224 triệu đồng trong vòng ba tháng.
Chủ mặt bằng đe dọa sẽ kiện Thế Giới Di Động về việc đơn phương giảm tiền thuê. Cho đến nay, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào về vụ việc này.
Cộng đồng mạng cũng như một số luật sư đã bày tỏ bức xúc về việc Thế Giới Di Động tự giảm trừ tiền thuê khi chủ mặt bằng chưa đồng thuận. Tuy nhiên, việc phân xử đúng - sai sẽ cần căn cứ vào các điều khoản cụ thể trong hợp đồng và phán quyết của tòa án, nếu xảy ra kiện tụng.
Ông Trần Kỷ Mùi khẳng định hợp đồng không có điều khoản nào nêu rõ việc Thế Giới Di Động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng, tuy nhiên ông cũng không công khai toàn văn hợp đồng.