|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI: Mỏ apatit mới giúp Hóa chất Đức Giang giảm phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc

11:45 | 23/09/2021
Chia sẻ
Hóa chất Đức Giang đang phải gặp nhiều thách thức khi công ty sản xuất phốt pho chính tại Trung Quốc cắt giảm sản lượng, đồng thời thiếu cung đá photphat tại Việt Nam do công ty quặng apatit tạm ngừng sản xuất.
SSI: Lãi ròng 2021 của Hóa chất Đức Giang có thể đạt gần 1.800 tỷ đồng trong khi giá phốt pho đầu vào tăng - Ảnh 1.

Ảnh: ducgiangchem.

Giá phốt pho bật tăng khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng

Theo sunsir.com, giá phốt pho vàng tại Trung Quốc đã tăng 73% trong tuần qua và tăng 268% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân là công ty sản xuất phốt pho chính tại Trung Quốc Yunnan (chiếm 42% sản lượng phốt pho tại nước này) cắt giảm sản lượng một số hóa chất cơ bản, bao gồm phốt pho vàng, do thiếu cung than tạm thời và nhằm kiểm soát ô nhiễm, theo argusmedia.com.

Báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC), Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng sản lượng sản xuất phốt pho vàng từ tháng 9 đến tháng 12 có thể chỉ đạt 10% của tháng 8, áp dụng cho tất cả công ty sản xuất có mức độ ô nhiễm cao.

Trong khi nhu cầu phốt pho vàng tăng mạnh từ đầu năm 2021 nhờ các công ty sản xuất chip tăng công suất, việc giảm sản lượng có thể giữ giá phốt pho vàng và axit phosphoric tăng trong nửa cuối năm nay.

Đối với năm 2022, SSI ước tính giá phốt pho vàng tăng ở mức 10-15% do nhu cầu từ các công ty sản xuất chip tiếp tục tăng. Số liệu từ tổ chức World Semiconductor Trade Statistics cho thấy thị trường chất bán dẫn thế giới có thể tăng trưởng 10% trong năm 2022 so với năm trước.

Mặt khác, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, một trong những công ty sản xuất quặng apatit tại Việt Nam, gần đây đã tạm ngừng sản xuất quặng khiến tình trạng thiếu cung đá photphat tại Việt Nam trở trên trầm trọng hơn.

Tuy vậy, SSI nhận định giá phốt pho vàng tăng mạnh đủ sức bù đắp phần tăng chi phí đầu vào do thiếu cung, do đó, biên lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang có thể vẫn cải thiện.

Ngoài ra, công ty sẽ chuyển sang sử dụng quặng apatit từ mỏ riêng bắt đầu hoạt động trong quý II giúp giảm thiểu tác động của việc tăng chi phí quặng đầu vào.

SSI: Lãi ròng 2021 của Hóa chất Đức Giang có thể đạt gần 1.800 tỷ đồng trong khi giá phốt pho đầu vào tăng - Ảnh 2.

Biểu đồ biên lợi nhuận gộp từ quá trình gia công (GPM) của Hóa chất Đức Giang và giá đá photphat giai đoạn 2018-2021. (Nguồn: indexmundi, DGC, SSI Research).

Theo nhận định của SSI, do giá phốt pho vàng ở mức cao, Hóa chất Đức Giang có thể tăng sản lượng bằng cách cho các nhà máy hoạt động trong giờ cao điểm. Mặc dù giá điện vào giờ cao điểm cao gần gấp đôi so với thông thường, công ty vẫn có thể có lợi nhuận.

Hiện tại, công ty có thể vận hành nhà máy cả ngày (so với 19 tiếng trước kia) trong các tháng còn lại của năm 2021, do đó SSI ước tính sản lượng sản xuất phốt pho vàng tăng 7%. Trong dài hạn, công ty có thể xây dựng nhà máy điện để hỗ trợ cho nhà máy phốt pho vàng trong giờ cao điểm.

Về việc sản xuất axit phosphoric điện tử, nhà máy của công ty đã đi vào hoạt động trong tháng này. Theo ban lãnh đạo, công suất nhà máy có thể đạt 50.000 tấn/năm so với ước tính khoảng 30.000 tấn/năm.

SSI nhận định rằng, nhà máy này có thể chạy 90% - 100% công suất trong tháng đầu hoạt động do nhu cầu mạnh mẽ từ các công ty sản xuất chip.

SSI: Lãi ròng 2021 của Hóa chất Đức Giang có thể đạt gần 1.800 tỷ đồng trong khi giá phốt pho đầu vào tăng - Ảnh 3.

Nguồn: fred.stlouisfed.org.

Lãi ròng năm 2021 ước đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 86%

SSI ước tính doanh thu thuần năm 2021 của Hóa chất Đức Giang lên 9.050 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước và năm 2022 là 10.570 tỷ đồng, tăng 17%, dựa trên giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ phốt pho vàng và axit phosphoric; giả định giá bán trung bình của phốt pho vàng năm 2021 là 64 triệu đồng/tấn, tăng 9% so với năm trước và gần 72 triệu đồng/tấn, tăng 12% ở năm 2022.

Dựa trên đà tăng giá phốt pho vàng, SSI ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2021 đạt 27,2% và năm 2022 là 31,9%, so với 23,7% trong 2020.

SSI cũng giảm tỷ lệ chi phí SG&A (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) trên doanh thu đối với Hóa chất Đức Giang từ 7,9% xuống 6,9% trong năm 2021 và 2022 do các chi phí này có thể không tăng cùng tỷ lệ với giá bán.

SSI dự báo lợi nhuận ròng năm 2021 của Hóa chất Đức Giang có thể đạt 1.758 tỷ đồng, tăng 86% so với năm trước và năm 2022 là 2.593 tỷ đồng, tăng 48%. 

Ngoài ra, do công ty chưa hoàn tất thủ tục xin cấp phép đối với dự án bất động sản, SSI cho rằng Hóa chất Đức Giang chưa thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động này trong năm 2022.

Tường Vy