|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Đừng chỉ 'đổ' tại FDI và 'trông chờ' chính sách?

20:38 | 26/09/2019
Chia sẻ
Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC – Cục Công nghiệp tại toạ đàm “Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" diễn ra ngày 26/9.
Công nghiệp ô tô Việt Nam: Đừng chỉ 'đổ' tại FDI và 'trông chờ' chính sách? - Ảnh 1.

Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" (báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức) - Ảnh: Ban tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC – Cục Công nghiệp cho rằng, cần có cái nhìn công bằng về công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay.

Theo bà Thuý, bấy lâu nay vẫn có quan điểm là đối với thị trường gần 100 triệu dân thì cần phải có công nghiệp ô tô. “Tuy nhiên cũng cần rõ ràng rằng cái gì cần bàn tay Chính phủ thì Chính phủ mới làm, còn phải tôn trọng thị trường. Nhà đầu tư chọn Việt Nam đặt nhà máy vì thấy thị trường đủ lớn để làm thì họ mới chọn”, bà Thuý nói.

Bà Thúy cũng cho rằng, không thể nói vì FDI mà doanh nghiệp nội không cạnh tranh được. Cần phải chấp nhận thực tế về năng lực thay vì “đổ lỗi”. Bởi theo bà Thuý, trước đây Việt Nam cũng đâu mang được ô tô ra nước ngoài để cạnh tranh với Mercedes hay Ford được…

“Phải thừa nhận thực tế để tìm ra hướng đi phù hợp”, bà Thuý nhấn mạnh thêm, không thể “đổ” tại Chính phủ không hỗ trợ hay FDI được quá ưu ái.

Bà Thuý nói thêm, ô tô là ngành công nghiệp có chuỗi giá trị rất dài. Nếu chúng ta không làm ô tô nguyên chiếc thì vẫn có thể như Thái Lan hay Malaysia, đẩy mạnh việc trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cấp 1, 2, 3…

Dẫn chứng từ trường hợp của Vinfast, bà Thuý cho rằng còn quá sớm để nói Vinfast có thể thành công hay không, bởi còn phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp, thị trường. Chính sách chỉ một phần, chính sách không làm nên tất cả.

Trước đó chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết cách đây 20 năm, những giấy phép làm ô tô đầu tiên đã được Việt Nam cấp cho các hãng nước ngoài như Toyota, Honda… Khi ấy, năng lực của Việt Nam chẳng có gì ngoài đất.

Từng tham khảo về chính sách làm ô tô của Trung Quốc, ông Long kể: Chính sách của họ có 4 điểm chính, thứ nhất là mỗi tỉnh (có quy mô tương đương Việt Nam) chỉ được phép có một liên doanh với FDI làm ô tô; tỷ lệ góp vốn là 50-50; quy định thời gian bao lâu thì được tự chủ, không phải phụ thuộc công ty mẹ; lựa chọn công nghệ châu Âu để cạnh tranh với ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhìn lại thị trường Việt Nam và cho rằng vẫn chưa có ngành sản xuất ô tô đích thực, Chủ tịch VAMI nhấn mạnh: Thị trường là tài nguyên, cần phải bảo vệ thị trường nội địa.

“Tôi không kì thị FDI nhưng muốn sòng phằng”, ông Long nói. Ông Long cũng cho rằng chớ nên đánh giá vội vàng VinFast làm được hay không làm được, bởi tính đến nay doanh nghiệp này đã có 2 điểm thành công: Một là có tiền, hai là chọn công nghệ châu Âu để cạnh tranh với các hãng xe châu Á.

“Tất nhiên phải chờ thời gian nhưng tôi hy vọng và tin rằng VinFast sẽ có bước đi đột phá để có ô tô Việt Nam”, ông Long nói.


Nguyễn Mạnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.