Công nghiệp cơ khí Việt Nam tìm cách rút ngắn khoảng cách với thế giới
Công nghệ thấp, cạnh tranh kém, công nghiệp cơ khí Việt còn nhiều "nút thắt"
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 đơn vị, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo.
Một số ngành trụ cột như sản xuất ôtô, xe gắn máy, cơ khí thủy công… có tỉ lệ nội địa hóa khá cao, đã có nhiều sản phẩm hướng tới xuất khẩu.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam cho rằng cùng với sự tăng trưởng tốt, cuộc chiến thương mại kéo dài đang định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
"Hiện nhiều công ty đang di chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam. Chúng tôi đã thấy nhiều công ty có trụ sở tại Hong Kong và Thâm Quyến (Trung Quốc) bay đến Việt Nam để tìm nhà cung ứng trong nước.
Đây là dấu hiệu khả quan cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất và gia công cơ khí Việt Nam", ông Tài chia sẻ.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), ngành công nghiệp điện tử đã tăng 25% tại miền Bắc và 10 - 12% tại miền Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Xu hướng này đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ địa phương.
Đáng chú ý Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, kì vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các thị trường mới ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.
"Nền kinh tế 300 tỉ USD của chúng ta được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6,6 - 6,8% trong năm nay. Trong đó, ngành sản xuất vẫn là động lực phát triển chính của nền kinh tế", Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam cho hay.
Qui mô thị trường ngành cơ khí chế tạo được dự báo có thể đạt tới khoảng 310 tỉ USD trong giai đoạn 2019 - 2030. Ảnh: technologymag.net
Tuy nhiên theo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 cho thấy trụ cột về Mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ xếp hạng 71/137, thấp hơn nhiều so với Singapore ở vị trí 14 và Thái Lan ở vị trí 60.
Trong đó, chỉ số thành phần về Mức độ sẵn có của công nghệ mới của Việt Nam chỉ được xếp hạng 112, Khả năng hấp thụ công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp xếp hạng 93, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI xếp hạng 89.
Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu.
Ti lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%. Chỉ khoảng 7% doanh nghiệp chế biến – chế tạo đầu tư vào hoạt động R&D hoặc cải tiến công nghệ, và tỉ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) chỉ vào khoảng 0,2-0,5% tổng doanh thu.
Với nền tảng công nghệ và quản trị như trên, các doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam nói chung và cả doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều phụ thuộc nguyên phụ liệu bên ngoài.
Đồng quan điểm, ông Tài cho rằng: "Nhu cầu về máy móc tự động hóa đang tăng cao và tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được nâng cao hơn. Đây chính là thách thức cho các nhà sản xuất nội địa, đòi hỏi họ phải luôn cập nhật những công nghệ và giải pháp mới nhất để không bỏ lỡ cơ hội đang chín muồi."
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành cơ khí mới đây, ngành cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước, chủ yếu là qui mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành.
Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
Điều này mang đến không ít khó khăn cho các nhà sản xuất Việt Nam khi đặt ra bài toán làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung cấp chính thức của các tập đoàn toàn cầu.
Mạnh dạn đầu tư công nghệ, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển
Theo ông Tài: "Khi Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài, các doanh nghiệp trong nước cần mạnh dạn đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để tăng tính cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu".
Để giải quyết bài toán trên, những triển lãm thương mại về lĩnh vực sản xuất và gia công cơ khí đóng vai trò không nhỏ. Trong đó, có thể kể đến METALEX Vietnam, Triển lãm quốc tế hàng đầu Việt Nam về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại, nơi để các nhà sản xuất Việt Nam tiếp thu những công nghệ và hiểu biết mới nhất về gia công cơ khí.
Năm nay, triển lãm diễn ra từ ngày 10 - 12/10, tại TP HCM trưng bày những cải tiến trong máy công cụ, cơ khí chính xác và công nghệ gia công cơ khí, tập trung vào chủ đề nhà máy thông minh với những nhà máy thông minh được số hóa và trang bị tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và giảm chi phí trong nhiều hoạt động khác nhau.
Các thiết bị, máy móc tự động hóa được trưng bày tại METALEX Vietnam 2019. Ảnh: NH
Đơn cử như ABB Việt Nam mang đến một mô hình sản xuất tự động hóa hoàn toàn, các robot được điều khiển đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ với tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM hay máy mô phỏng công nghệ hàn VRTEX của Lincoln Electric cũng là những sản phẩm ứng dụng sản xuất thông minh.
Ngoài ra nhiều nhà cung cấp công nghệ đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…cũng giới thiệu những loại máy móc tiên tiến nhất, chia sẻ những giải pháp thực tế nhất để các nhà công nghiệp tối ưu hóa khả năng sản xuất.
Doanh nghiệp được tiếp cận sản phẩm mới, hiện đại từ nhiều thương hiệu trên thế giới. Ảnh: NH.
Ông Adhip Mitra, Tổng Thư kí Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Kĩ thuật Ấn Độ, cho biết: "Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ về mặt văn hóa và kinh tế với Ấn Độ cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc Ấn Độ phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.
Kim ngạch song phương giữa hai nước đã đạt tốc độ phát triển 12,8% trong năm 2018, ở mức 14 tỉ USD, khiến cho mục tiêu đạt 15 tỉ USD vào năm 2020 trở nên vô cùng khả thi".
Hiện Ấn Độ là nhà cung cấp các sản phẩm cơ khí lớn thứ 9 cho Việt Nam, vượt trên nhiều nước phát triển.
Do đó, "triển lãm càng là cơ hội tốt cho các công ty Việt Nam và các nước trong đó có Ấn Độ cùng tiếp cận máy móc và giải pháp tiên tiến nhất từ các quốc gia nổi tiếng trong ngành sản xuất và gia công cơ khí", ông Adhip Mitra nhấn mạnh.