|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp chế biến chế tạo giữ đà tăng trưởng cao

20:56 | 06/12/2019
Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 11 chỉ tăng 5,4%, ước tính giảm 1,6% so với cùng kì năm trước.
Công nghiệp chế biến chế tạo giữ đà tăng trưởng cao - Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công thương tháng 11 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là tháng có tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho rằng, mặc dù mức tăng chung toàn ngành thấp, nhưng nhóm ngành chế biến chế tạo vẫn tiếp tục duy trì là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có nhiều dấu hiệu khả quan trong thời gian tới.

Tính chung 11 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Nhưng ở nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đã tăng 10,6% so cùng kỳ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, sự tăng trưởng tháng 11 chậm lại do sụt giảm của ngành khai khoáng. Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 5,3% (khai thác dầu thô giảm 10,4%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng thấp 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%.

Đánh giá về triển vọng sản xuất ngành công nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia lĩnh vực thép cho hay, tháng 11/2019, sản lượng thép thô ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; các sản phẩm thép cán, thép thanh, thép góc đều có mức tăng trưởng tốt, mặc dù không được như kỳ vọng.

Ông Sưa cho biết thêm, tăng trưởng trong ngành thép những tháng qua có sự chững lại do các yếu tố về chi phí nguyên liệu tăng, yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và hàng nhập khẩu. Song về thời gian cuối năm và sang năm, sản xuất và tiêu thụ thép sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng. 

Bởi Việt Nam đang hội nhập rất mạnh và đây là cơ sở cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các nước hơn nữa, đồng thời là động lực để doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, sản xuất công nghiệp toàn ngành có mức giảm, nhưng xét riêng ở lĩnh vực chế biến, chế tạo thì triển vọng vẫn là rất tốt. 

Đặc biệt trong thời gian vừa qua và sắp tới, với các hiệp định ký kết như Hiệp đinh Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này. 

Từ đó giúp vực dậy thị trường và công nghệ cho ngành cơ khí và tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt kết nối, làm nhà cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án đạt 10,33 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ hai, đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 9,8%. Các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 19,8%.

Như vậy, có thể thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari bày tỏ, là doanh nghiệp nhiều năm là đối tác cung cấp sản phẩm cấp 1 cho phía Nhật Bản, năm 2019 có thể coi ngành cơ khí trong nước đã có bước tiến lớn; đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, như Vinfast, Thành Công, Thaco.

"Chúng ta cũng đã gia công chế tạo để cung ứng cho một số doanh nghiệp như Toyota, Nikon… Tuy nhiên, trong tương lai, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo, phát triển nghiên cứu chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.", ông Nguyễn Đức Cường cho biết.

Thời gian qua, những chính sách của Chính phủ, đến các bộ, ngành trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành cơ khí. Tuy nhiên, vẫn chỉ có doanh nghiệp lớn phát triển, còn doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn chưa phát triển bền vững. Các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn vướng mắc về vốn, đất đai, nguồn nhân lực...

Thời gian tới, nhận định ngành cơ khí sẽ có nhiều triển vọng phát triển, ông Nguyễn Đức Cường cho hay, cần có các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tiếp cận và kết nối sâu hơn với các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn trong nước.

Để hỗ trợ cho ngành chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng, đóng góp vào phát triển chung toàn ngành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, tập trung vào hai nhóm giải pháp chính là hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh...

Đức Dũng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.