|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Công nghệ phát triển vũ bão, vì sao nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn trung thành với tiền mặt?

19:30 | 20/05/2018
Chia sẻ
Nếu hỏi “Ở đây có chấp nhận thẻ không?” tại Đức, rất có thể bạn sẽ nhận một cái lắc đầu. Nước Đức hiện vẫn có tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt rất thấp. Liệu nền kinh tế lớn nhất châu Âu có từ bỏ được ác cảm với thẻ ngân hàng?
vi sao cong nghe phat trien vu bao nen kinh te so 1 chau au van trung thanh voi tien mat Đất nước này đang tiến đến xã hội không tiền mặt đầu tiên trên thế giới
vi sao cong nghe phat trien vu bao nen kinh te so 1 chau au van trung thanh voi tien mat [Infographic] 10 nền kinh tế 'không tiền mặt' hàng đầu thế giới

Nếu có nơi nào mà ở đó tiền mặt được xem là vua thì có lẽ đó là chuỗi cửa hàng tiện lợi đêm khuya Späti (hay Spätkauf) hiện diện tại hầu như từng góc phố thủ đô Berlin.

Tuy nhiên, ông Türkan Dogar gần đây đã đặt một máy quẹt thẻ tại cửa hàng của ông ở đông nam thành phố. Ông phải trả phí hàng tháng cho chiếc máy này nhưng vì không đáng kể nên ông cũng chẳng nhớ chính xác là bao nhiêu.

“Khách hàng thường hỏi chúng tôi có chấp nhận thẻ hay không, vì thế cuối cùng tôi phải lắp nó vì nó giúp kinh doanh thuận lợi hơn”, ông Dogar nói. Nếu khách mua hàng ít hơn 10 euro (khoảng 12 USD) tại cửa hàng của ông, họ vẫn có thể trả bằng thẻ nhưng phải cộng thêm phụ phí 50 cent.

Tuy nhiên, một vòng dạo quanh khu vực lân cận nhanh chóng cho thấy mối quan hệ phức tạp của người Đức với những chiếc thẻ nhựa. Ở một góc phố, tại cửa hàng sửa xe đạp của Erol, những khách hàng sử dụng thẻ sẽ lập tức bị từ chối thẳng thừng.

“Ở đây chỉ dùng tiền mặt. Tôi thích tiền mặt hơn. Nếu người ta không mang tiền mặt, họ có thể đi rút tiền rồi quay trở lại. Tôi chẳng quan tâm!”, Erol cho biết khi đang đứng cạnh chiếc xe đạp lật ngược.

vi sao cong nghe phat trien vu bao nen kinh te so 1 chau au van trung thanh voi tien mat
Ảnh minh họa. Nguồn: Ralph Peters/Imago.

‘Vui lòng không dùng thẻ, chúng tôi là người Đức’

Những ai từng sống tại Đức có thế xác nhận, việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng – bất kể là thẻ ghi nợ hay tín dụng – không phải là điều đơn giản như bạn nghĩ tại nền kinh tế số 1 châu Âu.

Tất cả chúng ta đều muốn sở hữu một ít tiền mặt, thế nhưng người Đức lại “nghiện” nó. Một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố vào tháng 11/2017 cho thấy, một người Đức trung bình có 103 euro tiền mặt trong ví, nhiều hơn bất kỳ công dân EU nào khác.

Theo công ty nghiên cứu Statista, 80% các giao dịch điểm bán hàng (POS) tại Đức trong năm 2016 được thực hiện bằng tiền mặt, so với 68% tại Pháp và chỉ 46% tại Hà Lan.

Từ khi đồng euro chính thức lưu hành vào năm 2002, Ngân hàng Liên bang Đức đã phát hành lượng tiền giấy nhiều hơn tất cả ngân hàng trung ương khác trong khu vực eurozone cộng lại.

Với sự ưu ái đặc biệt mà người Đức dành cho tiền mặt, không có gì bất ngờ khi số lượng máy quẹt thẻ tại nước này – dù tăng nhanh trong vài năm qua – vẫn ít hơn số máy tại các nền kinh tế lớn khác của châu Âu.

Nhưng có lẽ thống kê mang tính biểu tượng nhất được thể hiện trong báo cáo tháng 9/2017 của ECB về các công cụ phi tiền mặt chính được sử dụng tại các nước EU trong năm 2016. Trong tất cả thanh toán phi tiền mặt tại Đức vào năm 2016, chỉ có 19% được thực hiện bằng thẻ ngân hàng, thấp nhất trong khối EU, trong khi tỷ lệ này tại Anh và Pháp lần lượt là 53% và 65%.

Một phẩm chất Đức

Vậy thì, nhiều người Đức thích tiền mặt hơn thẻ ngân hàng. Nhưng tại sao lại như vậy?

Lý do mà các nhà tâm lý xã hội, nhà sử học và các nhà bình luận đưa ra rất nhiều và khác nhau. Từ ký ức về những sự kiện lịch sử đau thương như tình trạng siêu lạm phát vào thời Cộng hòa Weimar đến khát khao bảo vệ quyền riêng tư mãnh liệt và sự hoài nghi về các hình thức giám sát.

vi sao cong nghe phat trien vu bao nen kinh te so 1 chau au van trung thanh voi tien mat
Tờ tiền giấy 10 tỷ mark trong giai đoạn siêu lạm phát thời Cộng hòa Weimar vào những năm 20 thế kỷ 19. Nguồn: picture-alliance/akg-images.

Cũng có những yếu tố văn hóa ăn sâu vào nước Đức. Bảo tàng Lịch sử Đức tại Berlin hiện đang tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Tiết kiệm: Lịch sử về một phẩm chất Đức”, làm nổi bật cách mà các ý niệm về sự tiết kiệm, ghét nợ nần và thận trọng về tài chính đã chi phối cuộc sống người Đức suốt nhiều năm qua.

Trong tiếng Đức, từ mang nghĩa “nợ nần” - Schuld – cũng có nghĩa là “tội lỗi”.

“Có sự lưỡng lự trong việc từ bỏ tiền mặt và vẫn tồn tại sự hoài nghi trong nhiều người Đức rằng, từ bỏ tiền mặt, theo một cách nào đó, là từ bỏ một phần của tự do”, Giáo sư Dorothea Schäfer của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nói với hãng tin Deutsche Welle.

Tiền mặt là vua, nhưng ‘không tiền mặt’ muốn chiếm ngai vàng

Trong những năm qua, xu hướng dịch chuyển đến một hệ thống sử dụng ít tiền mặt hơn ngày càng thể hiện rõ trên toàn thế giới, không chỉ ở những nền kinh tế phát triển mà cả những quốc gia kém phát triển hơn.

Tại châu Âu, các nước như Thụy Điển đang dần tiến đến một xã hội không dùng tiền mặt. Tổng giao dịch không dùng tiền mặt tại EU tăng 8,5% lên 122 tỷ giao dịch trong năm 2016, trong đó thanh toán thẻ chiếm một nửa.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, một tương lai không dùng tiền mặt sẽ là điều tốt đẹp với nước Đức và nhiều nước khác nhờ ngăn chặn được hành vi trốn thuế, loại trừ các hoạt động phi pháp và cắt giảm chi phí phát sinh từ giao dịch tiền mặt như vận chuyển tiền.

Ông Peter Bofinger – thành viên Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức, ủng hộ việc cấm hoàn toàn tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn có những người cật lực phản đối, trong đó có nhà kinh tế học Max Otte – người sáng lập chiến dịch “Cứu lấy tiền mặt của chúng ta” hai năm về trước.

Nói với Deutsche Welle, ông Otte cho rằng ý nghĩ về một xã hội không dùng tiền mặt là một “viễn cảnh kinh hoàng”. Theo ông, điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các ngân hàng áp dụng lãi suất âm, một chính sách gây khá nhiều tranh cãi nhằm làm nản lòng người gửi tiết kiệm.

Ông cho rằng, câu hỏi cần đặt ra không phải là “tại sao người Đức thích dùng tiền mặt hơn” mà là “tại sao các nước khác muốn một hệ thống phi tiền mặt”. Ông tin rằng có “những thế lực rất mạnh” trong thế giới của ngành ngân hàng, kinh doanh, chính trị và công nghệ đang thúc đẩy thế giới tiến đến xã hội không tiền mặt, mà một trong những động lực chính là thu thập dữ liệu cá nhân của mỗi công dân.

“Đó là công cụ kiểm soát hoàn hảo cho những người muốn kiểm soát chúng ta, và là một công cụ phản riêng tư. Xã hội đó có vẻ vận hành hiệu quả nhưng lại không phải một xã hội mà tôi cảm thấy thoải mái khi sống ở đó”, ông cho biết.

vi sao cong nghe phat trien vu bao nen kinh te so 1 chau au van trung thanh voi tien mat
Người Đức vẫn thích dùng thẻ để rút tiền mặt thay vì thanh toán trực tiếp bằng thẻ. Nguồn: picture-alliance/Arco Images GmbH/G. Lenz.

Những ký ức mang theo

Nhiều người Đức hoàn toàn nhất trí với ông. Các nỗ lực nhằm hạn chế tiền mặt tại đất nước này tiếp tục vấp phải làn sóng kháng cự mạnh mẽ. Vào năm 2016, Bộ Tài chính Đức đề xuất giới hạn các giao dịch tiền mặt ở mức 5.000 euro, một ý tưởng quen thuộc tại nhiều nước châu Âu. Đề xuất này khiến Bild – tờ báo bán chạy nhất nước Đức, khởi xướng chiến dịch “Đừng chạm vào tiền mặt của chúng tôi”.

Đảng chính trị AfD cũng tham gia chiến dịch phản đối trong những năm qua, xác định tiền mặt là một trong những vấn đề gây ra làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Đức.

Ở những nơi như cửa hàng Späti của ông Türkan hoặc nhiều cửa hiệu và nhà hàng ngày càng đón nhận các hệ thống thanh toán di động, xu hướng đi lên một xã hội không tiền mặt dường như đang tiếp diễn bất chấp không ít phản đối từ những người như nhà kinh tế học Max Otte.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một ngày nào đó các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt thống trị hoàn toàn có vẻ như quá xa vời khi người Đức vẫn giữ những nét đặc trưng quan trọng và tiêu biểu của mình – thận trọng, khát khao quyền riêng tư và trên hết là sức mạnh của ký ức.

Trường Giang