|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Còn tình trạng phê duyệt dự án khi chưa cân đối được nguồn'

20:33 | 06/11/2018
Chia sẻ
Số thu ngân sách 10 tháng ước tăng tới 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vấn đề đặt ra với túi tiền quốc gia là thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán.
con tinh trang phe duyet du an khi chua can doi duoc nguon
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phía ngược lại, cơ cấu lại chi ngân sách vẫn gặp khó khi chi thường xuyên phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Đó là những nhìn nhận được ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính nói lên khi đánh giá về kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm tới nay.

- Xin ông cho biết việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã đạt kết quả như thế nào?

Ông Võ Thành Hưng: Tổng thu ngân sách Nhà nước luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Ước cả năm, thu ngân sách vượt 3% so dự toán trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu.

Chi ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán. Ước cả năm, chi ngân sách đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.

Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán.

Bội chi, kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7%GDP, ước thực hiện 3,67%GDP).

- Kết quả thu ngân sách Nhà nước năm nay ước vượt dự toán nhưng vấn đề là chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Những thách thức ở đây là gì, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu ngân sách Nhà nước. Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán là khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực FDI và kinh tế ngoài quốc doanh.

Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);...

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77.300 tỷ đồng. Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73.100 tỷ đồng. Đến 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

con tinh trang phe duyet du an khi chua can doi duoc nguon
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Thưa ông, chi ngân sách Nhà nước luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội. Bản thân ông thấy trong lĩnh vực này, vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính?

Ông Võ Thành Hưng: Chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Đây cũng chính là vấn đề lo ngại của xã hội. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách, thứ nhất là kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài,...

Về cơ cấu lại chi, thời gian qua, chúng ta đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%).

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi còn khó khăn. Điều này do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

- Bộ Tài chính sẽ chú trọng những giải pháp như thế nào để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách hiện nay, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp như quản lý chặt chẽ chi ngân sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Cơ quan chức năng cũng xác định xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Một giải pháp nữa sẽ tiếp tục được chú trọng là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách và tài sản của Nhà nước.

Phía Bộ Tài chính cũng sẽ làm tốt công tác tuyên truyền; công khai, minh bạch hoạt động tài chính ngân sách, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị.

- Xin cảm ơn ông!

Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 962.500 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2017. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1,358 triệu tỷ đồng, vượt 3% so với dự toán, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2017. Tổng chi ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đạt trên 989.300 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2017. Ước chi ngân sách cả năm đạt 1,562 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so dự toán. Bội chi ngân sách cả năm ước trong phạm vi dự toán là 204.000 tỷ đồng, bằng 3,7%GDP kế hoạch.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Dũng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.