|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơn sốt ‘Về nhà đi con’ hé lộ giải pháp kiếm tiền từ quảng cáo của nhà đài

11:48 | 20/08/2019
Chia sẻ
Với nhà đài, mỗi bộ phim hay chương trình truyền hình đều là những bài toán kinh doanh mà họ phải tính toán đến mức độ hiệu quả triển khai.

"Về nhà đi con" có lẽ là một trong những bộ phim truyền hình Việt Nam thành công nhất trong năm 2019, tính đến thời điểm hiện tại. Tỷ lệ người xem, hiệu ứng trên mạng xã hội, kênh truyền thông và việc bộ phim kéo dài thêm 18 tập so với kế hoạch ban đầu là một số dẫn chứng để khẳng định thành công của phim.

Bên cạnh đó, với mật độ quảng cáo dày đặc trong mỗi tập phim, doanh thu từ quảng cáo mà nhà đài thu từ "Về nhà đi con" cũng là điều rất nhiều người nhắc đến.

"Về nhà đi con" có thể mang về cho VTV tới 160 tỉ đồng doanh thu quảng cáo

Screen Shot 2019-08-19 at 12

Báo giá quảng cáo "Về nhà đi con" tăng lên theo độ nóng của phim. (Nguồn: TVAd, đồ hoạ: Thái Sơn)

Có sức hút lớn ngay từ khi lên sóng, giá quảng cáo dành cho "Về nhà đi con" do Trung tâm Quảng cáo Truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (TVAd) đưa ra khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ khi thấp hơn khá nhiều so với các bộ phim giờ vàng phát cùng giờ khác.

Cụ thể, từ tập 1 đến tập 45, quảng cáo thời lượng 30 giây trong khung giờ phát sóng "Về nhà đi con" chỉ có giá 75 triệu đồng. Giá tăng lên 100 triệu đồng, bắt đầu từ tập 46, và 120 triệu đồng, bắt đầu từ tập 55, do hiệu ứng phim tạo ra ngày càng mạnh hơn.

Dù báo giá quảng cáo có xu hướng tăng, giá quảng cáo của "Về nhà đi con" vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số của phim "Mê cung" (180 triệu đồng cho 30 giây) và "Nàng dâu Order" (150 triệu đồng cho 30 giây). 

So với giá quảng cáo của "Người phán xử", khoảng cách còn xa hơn nữa. Với mỗi quảng cáo 30 giây trong khung giờ chiếu "Người phán xử", nhãn hàng có thể phải trả tới 200 triệu đồng.

m1

"Về nhà đi con" là một hiện tượng phim truyền hình trong năm 2019. (Ảnh: VTV)

Dù vậy, TVAd dường như đã có chiến lược riêng. Tần suất quảng cáo trong "Về nhà đi con" dày hơn so với mức trung bình. Nếu như thời lượng phát sóng cho mỗi tập phim rơi vào khoảng 30 phút, có tới 10 phút trong số đó dành cho quảng cáo.

Giá quảng cáo hợp lí giúp nhà đài thu hút được thêm các nhãn hàng. Cùng lúc, số lượng quảng cáo tăng và dày hơn lại đảm bảo được tính hiệu quả về doanh thu cho mỗi tập phim.

Theo tính toán một cách sơ bộ, "Về nhà đi con" có thể mang về cho nhà đài từ 150 tỉ đồng đến 160 tỉ đồng từ quảng cáo TVC, đó là chưa kể đến các hình thức quảng cáo banner, "product placement" (sản phẩm xuất hiện trong khung hình) hay quảng cáo trong ứng dụng (VTV Go/ VTV Giải Trí) và các phim tập ngoại truyện.

Mỗi chương trình truyền hình là một phương án kinh doanh

Đối với nhà đài, mỗi chương trình truyền hình là một phương án kinh doanh, trong đó các yếu tố liên quan đến tính hiệu quả là rất quan trọng. Đây là câu chuyện từng được thể hiện rõ nét thông qua việc mua bản quyền các sự kiện thể thao thời gian gần đây.

Kể từ thời điểm năm 2018 khi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam dành được nhiều thành tích ấn tượng, giá bản quyền các giải đấu có sự tham gia thi đấu của thầy trò ông Park Hang Seo liên tục được đẩy lên cao. 

Ngay cả những giải đấu mang tính chất giao hữu như King's Cup tại Thái Lan cũng có giá bản quyền cao đến mức khiến nhiều đơn vị tham gia đàm phán giá phải lắc đầu ngao ngán.

Khi chi phí đầu tư tăng cao nhưng bài toán về doanh thu quảng cáo khó có thể bù lại được khiến các nhà đài không còn mặn mà với việc nhất định phải mua bằng được bản quyền.

Còn nhớ vào mùa hè năm ngoái, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam cũng thiếu chút nữa không được xem ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trên truyền hình vì mức giá bản quyền quá cao (có thể lên tới 14 triệu USD) và vượt quá khả năng chi trả của các đơn vị tham gia đàm phán giá. 

Mãi cho tới khi có doanh nghiệp mạnh thường quân tài trợ, Đài Truyền hình Việt Nam mới có thể tự tin triển khai mua bản quyền và khai thác.

Nếu như coi bản quyền truyền hình là một món hàng có nguồn cung khan hiếm còn mong muốn được thưởng thức nội dung của người hâm mộ là nhu cầu, theo đúng quy luật thị trường, thực tế rằng giá bản quyền tăng cao là điều dễ hiểu.

Thái Sơn