|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơn sốt cổ phiếu TLD sẽ kéo dài đến bao giờ?

19:00 | 23/08/2020
Chia sẻ
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá cổ phiếu TLD của Công ty Phát triển Đô thị Thăng Long đã tắng gấp 2,5 lần mức giá trước đây. Điều gì thúc đẩy giá cổ phiếu TLD tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chưa có những chuyển biến tích cực?

Giá cổ phiếu TLD tăng bằng lần, Tổng Giám đốc liên tục mua vào

Đầu tháng 5, cổ phiếu TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long bắt đầu bước vào xu hướng hồi phục sau gần một năm tích lũy vùng 4.000 – 5.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, sau khi doanh nghiệp này công bố kế hoạch huy động vốn đầu tư vào nhà máy ván ép công nghiệp tại Quảng Bình, thị giá cổ phiếu nhanh chóng tăng vọt gấp 2,5 lần chỉ trong hơn hai tháng. Đóng cửa phiên giao dịch 19/8, giá cổ phiếu TLD tăng kịch trần lên 15.500 đồng/cp, chạm vùng đỉnh hai năm.

Cùng với giá tăng liên tục, thanh khoản cổ phiếu trong nửa tháng gần đây cũng ghi nhận sự đột biến, có phiên đạt gần 1,5 triệu đơn vị giao dịch.

Thời gian giá cổ phiếu tăng mạnh, Tổng giám đốc Nguyễn An Quân liên tiếp đăng kí gom cổ phần. Cụ thể, ông Quân có đăng kí mua 500.000 cp TLD trong thời gian từ ngày 2/7 đến 1/8. Tuy nhiên, kết thúc thời gian giao dịch, số lượng cổ phần Tổng giám đốc TLD mua vào chỉ đạt 139.000 cp do giá không đạt kì vọng.

Đầu tháng 8, ông Quân tiếp tục đăng kí mua vào 500.000 cp TLD. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 6/8 đến 4/9. Nếu thương vụ thành công, ông Quân sẽ tăng sở hữu tại TLD từ 8,64% lên 11,31% vốn điều lệ.

Tổng Giám đốc Nguyễn An Quân mới đây cũng thông báo sẽ chuyển nhượng 739.500 quyền mua cổ phiếu TLD trong đợt phát hành thêm tới đây cho bố ruột là ông Nguyễn An Ngọc, Chủ tịch HĐQT TLD.

Được biết, tỉ lệ thực hiện quyền mua là 2:1, nghĩa là với hai quyền mua có thể tăng sở hữu thêm một cổ phiếu. Theo đó, tổng số lượng cp ông Ngọc nắm giữ sẽ tăng lên 6,7 triệu đơn vị, tương đương 35,81% vốn.

Giải mã cơn sốt TLD và tuyệt chiêu đưa giá cổ phiếu tăng bằng lần - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu TLD. Nguồn: Fireant

Giá tăng mạnh kèm câu chuyện phát hành tăng vốn 

CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long (TLD) thành lập vào năm 2009 hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất ván ép. Trong quá trình phát triển, công ty trải qua 4 lần tăng vốn điều từ 11 tỉ đồng lên 187 tỉ đồng.

Vốn hóa thị trường tính đến ngày 19/8 khoảng 435 tỉ đồng. Xét trong nhóm các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng trên thị trường chứng khoán, qui mô vốn hóa của TLD ở mức thấp.

Được biết, TLD có hai công ty con gồm CTCP Xây dựng Thương mại và Sản xuất ván ép Thăng Long (tỉ lệ sở hữu 98,57%) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Chế biến Lâm sản Thăng Long (90,63%). Ngoài ra, TLD hiện nắm giữ tỉ lệ biểu quyết 45% tại CTCP Xây dựng và Thương mại Hưng Thịnh.

Tính đến ngày 30/6/2020, qui mô tài sản của TLD đạt 448 tỉ đồng, giảm 5% so với đầu kì. Trong đó, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn chiếm 45% giá trị tài sản, đạt hơn 200 tỉ đồng.

Hồi đầu tháng 6, TLD ra thông báo phát hành 19,36 triệu cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, công ty lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 10 triệu cp TLD.

Ngoài ra, công ty dự kiến chào bán 9,36 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ phát hành 2:1, nghĩa là với mỗi hai cp TLD hiện sở hữu, nhà đầu tư có quyền mua thêm một cp mới. Thời gian đăng kí và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 30/6 đến 25/8. Cổ đông có thể chuyển nhượng quyền mua từ ngày 30/6 đến 20/8.

Đáng chú ý, theo sau thông tin phát hành cổ phiếu TLD, thị giá mã này đồng thời ghi nhận mức tăng giá mạnh. Đến ngày 20/8, ngay đúng ngày hết hạn chuyển nhượng quyền mua, cổ phiếu TLD quay đầu giảm giá, mất 4,7% so với ngày 19/8 khi chốt phiên giao dịch ngày 21/8.

Về kế hoạch huy động vốn 193,6 tỉ đồng lần này, TLD dự kiến rót vốn vào nhà máy ván ép tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quảng Bình và mua máy móc thiết bị. 

Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng, với công suất thiết kế 60.000 m3/năm sẽ cung cấp ra thị trường hai loại sản phẩm ván ép copha phủ phin và ván ép phủ keo đỏ. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho dự án gồm 30% vay từ MBBank chi nhánh Sơn tây và 70% vốn từ doanh nghiệp.

Hiện nay các thủ tục pháp lí của dự án đã hoàn tất. Nguồn vốn để triển khai hoạt động sản xuất sẽ bổ sung sau đợt chào bán cổ phiếu này. 

Giải mã cơn sốt TLD và tuyệt chiêu đưa giá cổ phiếu tăng bằng lần - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quí II/2020 của TLD

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quí II/2020 của TLD, công ty đang rót vào dự án nhà máy sản xuất ván ép tại Quảng Bình số tiền 77,5 tỉ đồng. Giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại dự án giảm 12% so với số dư đầu kì, tuy nhiên không rõ nguyên nhân.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của TLD đạt 212 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kì năm ngoái; LNST gấp đôi cùng kì lên 8 tỉ đồng. 

Dù vậy, báo cáo của công ty cũng không chi tiết hoá các khoản doanh thu đến từ mảng kinh doanh nào. Biên lãi gộp của doanh nghiệp này cũng chỉ ở mức 7%, thấp hơn nhiều so với mức 21% của Phú Tài (PTB) và 25% của Gỗ An Cường.

Riêng trong quí II, TLD đạt 105 tỉ đồng doanh thu và 3,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11,5 và 140% so với cùng kì năm trước. Theo lãnh đạo công ty, doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ hoạt động bán ván ép copha tại chi nhánh Quảng Bình và hoạt động xây dựng của công ty mẹ.

So với kế hoạch doanh thu 370 tỉ đồng và lợi nhuận 23,5 tỉ đồng cho cả năm 2020, tỉ lệ thực hiện của TLD sau nửa đầu năm đạt 57% cho chỉ tiêu doanh thu và 34% cho chỉ tiêu lợi nhuận.

Nói về kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo TLD cho biết sẽ tích cực tìm kiếm đầu ra, đảm bảo nguồn thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.

Dù vậy, triển vọng kinh doanh của TLD đến khi nhà máy mới đi vào hoạt động vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn. Bởi sản phẩm của công ty là copha phủ phin và ván ép phủ keo đỏ là không mới trên thị trường.

Giải mã cơn sốt TLD và tuyệt chiêu đưa giá cổ phiếu tăng bằng lần - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Thận trong với các "game" phát hành

Trong khi đó, hiện tượng cổ phiếu tăng giá trước thời điểm doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn hay thuật ngữ "game phát hành" đối với nhóm cổ phiếu penny không còn xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử thị trường, TLD không phải trường hợp tăng giá hiếm gặp sau khi công ty phát hành cổ phiếu. Đơn cử, giá cổ phiếu DST của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long cũng tăng 400% từ mức đáy 10.800 đồng lên 42.500 đồng/cp trong thời gian công ty này liên tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015 và 2016. Cổ phiếu DST cũng có chuỗi giảm sàn về mức giá 3.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian tăng ngắn, các cổ phiếu này đổ đèo với hàng chục phiên sàn về giá ban đầu, gây thua lỗ không nhỏ cho các nhà đầu tư "đu đỉnh". Điển hình là các đợt phát hành của CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI), CTCP Đầu tư Khoáng sản FLC AMD (Mã: AMD)… trong năm 2017.

Thu Thủy

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...