|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Con số chứng minh giao dịch BĐS đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua

07:56 | 07/12/2022
Chia sẻ
Số thu thuế, phí từ bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Thực trạng này không khó hiểu trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường địa ốc có dấu hiệu đóng băng.

Theo số liệu của Tổng cục thuế, 11 tháng qua, các khoản thu từ nhà, đất chiếm khoảng 17,2% tổng thu nội địa, số thu ước đạt 222.626 tỷ đồng, tăng gần 40% so với dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 183.681 tỷ đồng, tăng hơn 36% dự toán và tăng gần 35% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất ước đạt 35.382 tỷ đồng, tăng hơn 43% dự toán và tăng hơn 10% so với cùng kỳ. 

Cơ quan thuế đánh giá, sở dĩ số thu tăng trên 30% so với cùng kỳ là do thị trường bất động sản sôi động từ cuối năm 2021 cho đến cuối quý I/2022. Đồng thời cơ quan thuế tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021, kịp thời nộp vào đầu năm 2022. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng cũng được đẩy manh.

Tuy nhiên, số thu thuế, phí từ bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tháng 6 thu lệ phí trước bạ tăng 78,4%, thì bước sang tháng 7, số thu chỉ bằng 76,8% so với tháng 6, tháng 8 bằng 72%, tháng 9 bằng 56,4%, tháng 10 bằng 57,4% và tháng 11 ước chỉ bằng 44,9%.

(Ảnh minh họa: H.H).

Thực tế, giao dịch trên thị trường bất động sản đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi sự trầm lắng chung.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, quý III/2022, có 51.003 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP HCM), giảm 26% so với quý trước.

Trong đó, miền Bắc có 9.627 giao dịch, miền Trung có 17.425 giao dịch và miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, TP HCM có 2.144 giao dịch thành công.

Phân khúc đất nền ghi nhận 115.129 giao dịch thành công, giảm 46% so với quý trước (hơn 213.000 giao dịch). Trong đó, miền Bắc có 21.806 giao dịch, miền Trung có 18.789 giao dịch, miền Nam có 74.534 giao dịch.

"Trong quý III, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn và ghi nhận giảm so với các quý trước. Một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư", Bộ đánh giá. 

Còn theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Lượng cung ra thị trường 9 tháng đầu năm đạt 41.886 sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Lực cầu mạnh nhưng tỷ hấp thụ không cao vì ít sản phẩm phù hợp với phân khúc và giá thành cao. Trung bình 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ đạt 43%, riêng quý III tỷ lệ này là 33,5% giảm mạnh so với hai úy trước.

VARS ước tính trong tháng 10, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường nhỏ hơn 10%, mức thấp kỷ lục và khá giống giai đoạn năm 2010 - 2011. Các khu vực có thị trường bất động sản sôi động trong năm 2022 như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định,… đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai, lùi lịch mở bán dự án để chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Có doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự vì thiếu vốn và doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao. Ở phía người đi vay mua nhà cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng.  

Ba tháng cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản nhưng theo nhận định của Chủ tịch VARS, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường ba tháng cuối năm nay khả năng khó được như những năm trước. Đến năm 2023, cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.