Có TPP hay không Việt Nam cũng phải cải cách
Sức ép cải cách, thay đổi của Việt Nam đã rất lớn. Ảnh minh họa: Minh Tâm |
Cách thời điểm ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức khoảng một tuần, hôm 15-1, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) khu vực TPHCM đã chia sẻ thông tin mới nhất về TPP mà ông cập nhật được sau chuyến về Mỹ đón năm mới với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Herb Cochran, TPP đang bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nhiều thượng nghĩ sĩ, lãnh đạo đảng tại Mỹ thì vẫn cho rằng, cuối cùng thế nào TPP cũng sẽ được thông qua, dù chậm trễ, tương tự như hiệp định thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc từng bị chậm 5 năm so với kế hoạch. Bản thân ông Herb Cochran cũng luôn tin tưởng điều đó.
Cũng theo ông Herb Cochran, việc cắt giảm thuế của mặt hàng may mặc, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn từ Việt Nam đi Mỹ, trong TPP không phải được áp dụng ngay lập tức ở mức 0%. Phải đến năm thứ 12, 13 sau thời điểm TPP có hiệu lực thì thuế của nhóm mặt hàng này mới về mức thấp.
Vì vậy, với tất cả những diễn biến này, ông Herb Cochran cho rằng, Việt Nam cần đổi chiến lược: thay vì chăm chăm vào TPP thì nên tập trung vào tạo thuận lợi thương mại bằng logistics và thời gian vận chuyển.
Hiện tại, thời gian nhập khẩu hàng từ Mỹ về Việt Nam mất 15-16 ngày vận chuyển cộng với 21 ngày thông quan hải quan. Như vậy là quá lâu.
Mục tiêu mà cả hai bên đang hướng tới là còn 48 giờ vào năm 2018, giảm 20% chi phí thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hai bên cũng đã ký hiệp định tạo thuận lợi thương mại với hàng loạt nội dung. Tất nhiên, việc triển khai các hoạt động rất phức tạp. Điều chắc chắn là các cơ quan phải đoàn kết, phối hợp, cam kết và quyết tâm.
Và kinh nghiệm được ông Herb Cochran rút ra sau một thời gian dài hợp tác thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam, đó là: (1) đối thoại phải có mục đích, nhắm đến từng vấn đề, giải quyết xong thì mới chuyển sang vấn đề khác; (2) quan trọng là sự triển khai của cấp dưới, dù lãnh đạo cấp cao đã phát biểu, khẳng định và (3) tránh lợi ích nhóm.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam tại một sự kiện của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) diễn ra giữa tuần rồi cũng nhận định, có TPP hay không thì Việt Nam cũng phải cải cách, thay đổi. Bởi lẽ, sức ép phải cải tổ đã rất lớn: thâm hụt ngân sách rất cao; nợ công đụng trần; dư địa ngân sách ngày một eo hẹp; tình hình già hóa dân số, năng suất lao động giảm; biến đổi khí hậu… Trước mắt, ngay trong năm 2017, Việt Nam sẽ phải chèo lái trong một thế giới đầy bất định.
Chính phủ mới đã đưa ra hàng loạt thông điệp. Thứ nhất, là thay đổi mối quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp mà theo đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Thứ hai, ưu tiên chất lượng tăng trưởng thể hiện ở việc không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá; chú trọng năng suất, đổi mới, sáng tạo. Và ba là hướng tới tăng trưởng bền vững: không đánh đổi môi trường vì tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận, đánh giá tình hình để có những bước đi phù hợp, tồn tại và phát triển.