Việt Nam nói gì về tương lai TPP không có Mỹ?
12 nước thành viên tham gia ký kết Hiệp định TPP, nhưng hiện nay Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này |
Mới đây, 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp kín để thảo luận về việc triển khai Hiệp định. Đáng chú ý, cuộc họp này không có Mỹ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều qua (4/5), trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt - bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam coi việc tham gia vào TPP và các Hiệp định tự do thương mại là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
“Việt Nam tham gia các Hiệp định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập thế giới và liên kết khu vực.” - bà Hằng nhấn mạnh.
Về tiến trình tới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới này, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Việt Nam sẽ cùng các nước trong TPP thảo luận và thống nhất những định hướng trong tương lai.
Trước đó, Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016 với 12 nước thành viên, bao gồm: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản. Thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, trong đó Mỹ và Nhật Bản được coi là trụ cột chính.
Tuy nhiên, tháng 1/2017, ngay trong tuần làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Việc ông Trump thông qua sắc lệnh rút khỏi TPP mang tính biểu tượng bởi Mỹ đã ký kết TPP nhưng chưa được Quốc hội phê chuẩn.
Hiệp định TPP vốn được coi là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.