|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Có thu hồi được các dự án đất liên quan Vũ 'nhôm'?

07:51 | 24/09/2018
Chia sẻ
Hàng loạt cựu quan chức liên quan vụ Vũ nhôm vừa bị khởi tố, vậy các dự án liên quan có thu hồi được?
co thu hoi duoc cac du an dat lien quan vu nhom
Khu đất 17ha thuộc dự án Harbour Ville (Đà Nẵng)

“Chưa thu hồi vì đang điều chỉnh quy hoạch”

Khu đất rộng hàng nghìn mét vuông cạnh chân cầu Thuận Phước (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hiện vẫn còn là một bãi đất trống trải, cây cỏ um tùm. Phía Tây của khu đất, một vài quán cà phê đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, còn có các công trình nhiều tầng đồ sộ đang được xây dựng. Chiều 21/9, PV ghi nhận hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra. Các công nhân tất bật thi công phần thô của tòa nhà.

Đây chính là khu đất rộng 17ha thuộc dự án Khu đô thị Harbour Ville mà UBND TP Đà Nẵng có chủ trương giao cho Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 586 (Công ty 586) vào thời điểm năm 2010. Tháng 3/2011, Công ty 586 có văn bản xin chuyển nhượng quyền sử dụng cho Vũ “nhôm” với giá 2,5 triệu đồng/m2. Một tháng sau, Vũ “nhôm” có văn bản xin nhận quyền sử dụng lô đất trên với giá hơn 800.000 đồng/m2 và UBND TP Đà Nẵng đồng ý.

Vũ “nhôm” sau đó xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tách hơn 70.000m2 đất góp cổ phần vào Công ty CP Mega để triển khai dự án Harbour Ville. Thời điểm 2011-2012, chủ đầu tư đã phân 17 ha đất thành hơn 500 lô đất riêng biệt để bán cho các cá nhân khác hưởng chênh lệch.

Không chỉ dự án trên, cơ quan chức năng cũng xác định có 9 dự án và 31 nhà công sản được bán tháo cho Vũ “nhôm”, gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, nhiều dự án đã được chuyển nhượng hoặc cho thuê lại. Đơn cử, dự án nhà hàng và bến du thuyền cũng đã được chuyển nhượng cho người khác. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP làm việc với chủ đầu tư, vận động thu hồi dự án, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong do đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch.

Trong khi đó, dự án Công viên An Đồn nay là trường mẫu giáo rộng 3.600m2. Trường do Công ty TNHH IVC làm chủ đầu tư và chị ruột ông Vũ “nhôm” làm hiệu trưởng. Khu đất tại đường 2 tháng 9 - Phan Thành Tài (quận Hải Châu) có hình tam giác, mặt tiền là đường 2 tháng 9 được cho thuê lại làm cây xăng dầu, phía sau bỏ trống. Tương tự, lô đất 37 Pasteur từng được chuyển nhượng không qua đấu giá cho Vũ “nhôm” với giá gần 17 tỷ đồng giờ đã trở thành một quán cà phê rộng hàng trăm mét vuông. Hay như lô đất 57 Lê Duẩn giờ là một cửa hàng thời trang...

Giao đất không qua đấu giá

Theo tìm hiểu của PV, khi còn đương chức, Phó chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Hữu Tín từng ký một số văn bản và chỉ đạo các cơ quan liên quan giao nhiều khu đất “vàng” tại TP HCM cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 như 15 Thi Sách; số 8 Nguyễn Trung Trực và 129 Pasteur….

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ:

Địa phương phải có đề xuất

Trường hợp nếu chưa có tài sản thì câu chuyện đó đơn giản, vì thu hồi đất là thu hồi. Bởi vì việc giao đất không đúng pháp luật thì quyết định thu hồi là đúng, không có trở ngại gì. Nhưng trong trường hợp thu hồi do vi phạm pháp luật như vậy thì xử lý tài sản trên đất như thế nào? Thực tế hiện nay cũng không có quy định pháp luật cụ thể như thế nào về tài sản trên đất. Theo đó, địa phương cần có đề xuất, kiến nghị trong trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần tịch thu luôn cả tài sản trên đất. Tôi cho rằng điều này không có gì là không hợp lý.

Văn Huế (Ghi)

Cụ thể, tháng 6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 thuê khu đất hơn 2.300m2 tại số 15 Thi Sách. Đến 12/2015, ông Tín lại ký quyết định công nhận Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án xây tòa nhà 18 tầng để làm trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ… Sau đó, UBND TP quyết định cho Công ty Bắc Nam được chuyển mục đích sử dụng đất tại địa chỉ này.

Tương tự, tại khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực, ông Tín đã ký quyết định giao cho Công ty Bắc Nam 79 làm dự án. Đến tháng 5/2012, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này trong 50 năm. Sau đó, ông Tín cho phép Công ty Nova Bắc Nam 79 xây dựng khu phức hợp cao 25 tầng trên khu “đất vàng” có diện tích khoảng 13.000m2. Như vậy, cả hai khu đất này đã không thông qua đấu giá theo Quyết định 09 của Chính phủ.

Không những vậy, khu đất 129 Pasteur còn được bán chỉ định cho Công ty Bắc Nam 79 theo đề nghị của UBND TP HCM. Tại khu đất số 69A đường Lý Tự Trọng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh, ông Tín đã có văn bản chỉ đạo UBND quận 1 cưỡng chế để giao cho công ty của Vũ “nhôm” làm dự án văn phòng, thay vì xây dựng thư viện thiếu nhi.

Theo ghi nhận, thời điểm này, các khu đất đều đang được quây rào tôn bên ngoài, bên trong đang ở giai đoạn thi công. Trong số đó, nổi bật là khu đất 129 Pasteur, quận 3, là một căn biệt thự cổ điển, khá đẹp với khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông. Bảo vệ tại đây cho biết, khu vực này mới sửa xong cách đây mấy ngày, là Công ty CP Đầu tư Peak View nhưng cũng không biết công ty có trụ sở chính ở đâu.

Thu hồi được không?

Theo Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng), đối với sai phạm trong việc chuyển nhượng đất tại dự án Harbour Ville, việc UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển nhượng cho cá nhân với mức giá thấp hơn giá trị thực tế không phải là căn cứ để thu hồi đất theo quy định của pháp luật. “Trong trường hợp này cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ UBND đã tham mưu, quyết định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Vũ “nhôm” có thực hiện đúng quy trình, quy định hay không? Nếu các cán bộ này làm trái quy định thì phải chịu trách nhiệm”, luật sư Lê Cao nói và cho rằng, hiện tại đất đã được phân lô chuyển nhượng cho các cá nhân khác, do đó nếu quyết định thu hồi sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của nhiều chủ thể khác.

Nếu vụ việc chỉ dừng lại ở ông Vũ “nhôm”, tức những tài sản nhận chuyển nhượng từ UBND vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Vũ thì có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự như “kê biên tài sản” nhằm bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại nếu xác định được ông Vũ “nhôm” vi phạm pháp luật ở dự án Harbour Ville. Tuy nhiên, đối với các chủ thể khác thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng từ ông Vũ theo đúng quy định pháp luật và đã trở thành chủ sở hữu hợp pháp thì không còn là đối tượng cưỡng chế nữa.

Cũng theo luật sư, trường hợp dự án đầu tư không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì có thể áp dụng Điều 64, Luật Đất đai để thu hồi đất theo quy định.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM, thừa nhận ở thành phố có một số mặt bằng nhà, đất đã được giao cho Vũ “nhôm” nhưng những tài sản này do các bộ ngành Trung ương quản lý. TP HCM chỉ có trách nhiệm trong quản lý quy hoạch và tham mưu thẩm định giá để các cơ quan Trung ương đưa ra quyết sách. Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về các cơ quan Trung ương và cấp cao hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM):

Phải thu hồi, đấu giá lại

Thời điểm cựu lãnh đạo TP HCM giao đất cho Vũ “nhôm” là khi đã có Luật Đất đai năm 2013. Đáng lưu ý, có 2 văn bản hướng dẫn thi hành luật (vẫn còn nguyên hiệu lực cho đến nay) là Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ và Quyết định 216 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Theo đó, đối tượng áp dụng là những nhà đầu tư nhà ở hoặc đầu tư xây dựng nhà để bán, hoặc sử dụng quỹ đất cho nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng sản xuất kinh doanh… Nhưng quan trọng nhất là giao đất phải qua đấu giá, một hộ gia đình chỉ một cá nhân được quyền tham gia đấu giá. UBND các cấp khi tổ chức đấu giá phải thành lập đội đồng định giá, trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh có thể phân cấp cho huyện thành lập hội đồng định giá nếu thuộc thẩm quyền ở dưới.

Vì đây là đất của Nhà nước, là tài sản của Nhà nước nên phải đấu giá xong mới được giao đất. Theo quy định về xử lý vi phạm, nếu thành viên hội đồng đấu giá hoặc tổ chức của Nhà nước được giao thực hiện đấu giá và các cá nhân khác có liên quan đến cuộc đấu giá cố ý làm trái quy định của 2 văn bản trên và Quy chế đấu giá do UBND cấp tỉnh ban hành, có hành vi làm lộ bí mật, tiếp tay, môi giới cho người tham gia đấu giá mà gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc làm cho cuộc đấu giá không thành thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những mảnh đất được giao cho Vũ “nhôm” đều là đất vàng, có giá trị rất lớn nên không thể chỉ định được. Vì thế, những việc làm sai quy định đã gây thất thoát rất nhiều tài sản của Nhà nước.

Về hướng xử lý đối với những mảnh đất đã được giao trái quy định, phải thu hồi và tiến hành lại các quy trình đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Trước hết, phải thành lập một hội đồng định giá tài sản xem thất thoát khi giao đất trái quy định như vừa qua là bao nhiêu. Sau đó, với những mảnh đất giao sai, gây thất thoát thì hội đồng này đề xuất UBND TP thu hồi, tổ chức định giá lại để tiến hành các quy trình đấu giá theo đúng quy định.

Trong việc giao đất này, người được thụ hưởng cũng không đúng pháp luật nên nhất định phải thu hồi, không thể nói “tại Nhà nước giao sai cho tôi nên tôi không trả lại được”, vì việc giao đất này là sai quy định. Vì người thuộc cơ quan quản lý Nhà nước làm sai, đã bị xử lý hình sự nên giờ phải thu hồi những mảnh đất được giao sai. Nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục sử dụng đất đó thì phải tham gia đấu giá lại theo đúng giá thị trường, đúng quy định của pháp luật.

Hoài Thu (Ghi)

Vĩnh Nhân - Yên Trang