|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có thể tiết kiệm 60% ngân sách nhờ đấu thầu dịch vụ công

15:03 | 05/01/2017
Chia sẻ
Dịch vụ công có sự tham gia bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân bên cạnh khối nhà nước là một bước tiến cuối cùng trong phá bỏ thành trì bao cấp, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.
co the tiet kiem 60 ngan sach do dau thau dich vu cong
Dịch vụ công. Minh họa: LÊ HOÀNG

Phát biểu tại hội thảo Cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 5/1, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, lĩnh vực dịch vụ công ích của Việt Nam gần như chưa mở cửa một cách đầy đủ như các lĩnh vực kinh tế khác.

Mặc dù chính sách đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có đấu thầu trong lĩnh vực này, tái cơ cấu dịch vụ công là một trong bốn trọng tâm Tái cơ cấu kinh tế trong thời gian tới, tuy nhiên thực tế, theo ông Cung gần như 100% cơ quan nhà nước vẫn đặt hàng giao kế hoạch dịch vụ công cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

"Việt Nam vẫn quản lý dịch vụ công theo đầu vào giao kế hoạch, có gì cung cấp đó thay vì nhìn theo đầu ra, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", Viện trưởng CIEM nhận xét.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - ông Đậu Anh Tuấn phân tích, tỷ lệ cung cấp dịch vụ qua đấu thầu vẫn rất ít, điểm mấu chốt lựa chọn ai cung cấp dịch vụ phải là chất lượng dịch vụ. Chính việc đặt hàng người cung cấp dịch vụ tạo ít động lực để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Ông Tuấn cho rằng cần đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ công và quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng.

Theo nhiều nghiên cứu, ở đâu càng tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân càng tiết kiệm được nguồn lực. Có thể kể tới huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xác nhận tiết kiệm được tới 60% chi phí nhờ thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích trên địa bàn. Trong khi đó, một số địa phương khác cũng xác nhận tiết kiệm được hơn 10% bằng biện pháp đấu thầu.

"Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng giảm chi phí ngân sách và tăng chất lượng dịch vụ", Viện trưởng CIEM có đồng quan điểm.

Ông Cung cũng cho rằng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ công còn ít và chưa bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước, chưa có cơ hội để tiếp cận vào nhóm dịch vụ công ích.

Theo đó, trước hết cần cải cách về thể chế, thay đổi pháp luật về hoạt động trong lĩnh vực này nhưng phải tuân theo quy luật thị trường. Việt Nam cần tự doa hóa lĩnh vực dịch vụ công ích như phần lớn các loại hình dịch vụ khác.

"Nhưng mấu chốt là các doanh nghiệp cả tư nhân hay nhà nước tham gia lĩnh vực này đều phải được tự chủ về tài chính, nhân sự, hoạt động kinh doanh, giao kết hợp đồng, đặc biệt tự chủ định giá cung cấp dịch vụ", ông Cung nói. Nhà nước có thể bỏ tiền để thuê dịch vụ bên ngoài theo cơ chế cạnh tranh về giá cả chất lượng.

Đại diện VCCI, ông Đậu Tuấn Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của nguyên Thống đốc bang Massachusetts của Mỹ - người nổi tiếng trong việc cải cách dịch vụ công. Ông này lấy bảng giá của công ty dịch vụ uy tín nhất trên thị trường để giao cho bộ phận dịch vụ công của bang. Nhiệm vụ của cơ quan này là tính toán để các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp chất lượng tương tự và giá tối đa chỉ được bằng giá của công ty uy tín nhất thị trường.

Về băn khoăn khi giải quyết bộ máy nhân sự trì trệ tại các cơ quan công ích, ông Tuấn cho rằng có thể áp dụng phương pháp của vị Thống đốc bang Massachusetts, thành lập một bộ phận riêng và những người bị điều chuyển tới đó nhận ra dấu hiệu bộ máy Nhà nước đang không cần họ nữa. Khi đó, họ buộc phải tự cải tiến làm tốt hơn trước áp lực.

"Nên lấy sức ép của thị trường làm thước đo khi cải cách dịch vụ công", ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.

Bên cạnh đó, ý kiến trái chiều cho rằng tư nhân hóa dịch vụ công sẽ gặp phải một số bất lợi. Phó Viện trưởng Viện kinh tế xây dựng Lê Văn Cự cho rằng nhiều nước tư nhân hóa đã gặp thất bại như Canada. Khi chính quyền đô thị tạo sân chơi bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân hay biểu tình, đình công, đòi tăng giá. Như vậy, chính quyền buộc phải chấp nhận tăng giá dù trước đó đã có thỏa thuận. Ông Cự cho rằng nên lựa chọn một phần dịch vụ để tư nhân hóa. Ông lấy ví dụ, dịch vụ xây dựng và vận hành xử lý nước thải có thể tư nhân hóa. Riêng thu gom rác rất khó định giá chất lượng để tư nhân hóa

Phản hồi với quan điểm này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung tin tưởng tư nhân hóa sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn. Đồng ý có một số lĩnh vực tư nhân không thể thay thế được, giả như truyền tải điện, nhưng Viện trưởng CIEM cho rằng không nên sợ khu vực tư nhân, sợ đình công, bởi đây là cách để thay đổi thể chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia hơn, đa dạng hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn sẽ không sợ thao túng thị trường.

Thái Hoàng