|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Có thể 'đóng băng' tài sản chờ khủng hoảng đi qua và phục hồi?

10:00 | 20/11/2022
Chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, các cuộc khủng hoảng rồi sẽ đi qua, thị trường không thể suy giảm mãi. “Đóng băng” tài sản, Chính phủ có chương trình hoãn nợ cho trái phiếu,… là giải pháp có thể tính đến. Song nguyên tắc trong đầu tư là lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Bởi có những chính sách hoặc việc giải cứu nào đó cũng khó, khi kinh tế thị trường thì phải chấp nhận tính thị trường và chấp nhận sự đào thải của thị trường.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng nguyên tắc trong đầu tư là lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Giá và biến động trên thị trường thì không doanh nghiệp nào, không quỹ đầu tư nào có thể kiểm soát được. Với quỹ đầu tư, họ là trung gian và có những cam kết về lợi nhuận, còn rủi ro trên thị trường là không thể kiểm soát hết được.

Tình huống chưa có tiền lệ

Thưa ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, trong đó có khó khăn về vấn đề thanh khoản. Bộ Tài chính cũng vừa nhận định hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn do yếu tố tâm lý thị trường. Điều này gây áp lực lớn đối với nhà phát hành và quỹ đầu tư, thậm chí rất khó khăn trong mua lại và thanh toán. Ông nhìn nhận tình hình này như thế nào?

Đây là tình huống chưa có tiền lệ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đang gần như đóng băng, khi trái phiếu cũ muốn bán và giao dịch khó khăn, trái phiếu phát hành mới thì gần như không có trong tháng 10 vừa qua.

Niềm tin của nhà đầu tư hiện tại đã xuống rất thấp. Họ thấy giá trị trái phiếu của mình suy giảm mà không hoặc khó bán được thì niềm tin đó càng suy giảm. Họ nhìn những trường hợp như trái phiếu ở vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đến nay vẫn khó thu hồi thì càng lo lắng.

Với nhà phát hành, Nghị định 65 về phát hành TPDN quy định nếu phát hành sai hoặc vi phạm quy định thì phải mua lại trước hạn. Nhà phát hành sai vừa lo lắng về hướng xử lý pháp lý, vừa hạn chế nguồn tiền để mua lại khi các cánh cửa nguồn vốn đang đóng lại như về tín dụng và khó khăn trên thị trường chứng khoán…

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. (Ảnh: Báo Đại Đoàn kết).

Vậy có giải pháp chung mang tính tổng thể cho những trường hợp gặp khó khăn trong thanh toán không, thưa ông?

Chính tôi đã đề xuất Chính phủ triển khai một chương trình hoãn nợ TPDN trong thời gian 1 năm. Nếu không có Chính phủ đứng ra làm vậy thì nhà đầu tư có thể yêu cầu làm thủ tục phá sản ở các trường hợp gặp khó khăn, nhưng vậy thiệt hại và ảnh hưởng chung rất đáng chú ý.

Nếu thực hiện chương trình hoãn nợ trong 1 năm như trên thì tất nhiên chỉ áp dụng đối với các nhà phát hành đúng quy định. Cần thực hiện như vậy, bởi bây giờ nếu cứ tiếp tục giao dịch thì sẽ đến một điểm nào đó có thể mất hết giá trị trái phiếu và mất hết cả lợi ích của nhà đầu tư.

Nước xa khó cứu lửa gần. Trước khi có thể có chương trình hỗ trợ từ Chính phủ thì làm sao để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư cũng như niềm tin của họ, thưa ông?

Trước hết chúng ta phải thấy rằng nguyên tắc trong đầu tư là lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Giá và biến động trên thị trường thì không doanh nghiệp nào, không quỹ đầu tư nào có thể kiểm soát được. Với quỹ đầu tư, họ là trung gian và có những cam kết về lợi nhuận, còn rủi ro trên thị trường là không thể kiểm soát hết được.

Trên thế giới theo tôi thấy thì cũng không có quỹ nào bảo đảm rằng không bị mất vốn cả, ngoại trừ họ có bảo hiểm với chi phí rất lớn. Khi anh quyết định trao tài sản cho tôi quản lý và đầu tư, quỹ thất bại thì nhà đầu tư cũng phải chịu.

Chính phủ vào cuộc khi cần

Trong trường hợp tạm ngừng giao dịch, tạm “đóng băng” tài sản như đề cập ở trên như một cách bảo toàn cho nhà đầu tư, ông thấy triển vọng của hướng bảo toàn đó như thế nào?

Trước hết chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, những khó khăn, thậm chí khủng hoảng niềm tin hiện nay trên thị trường TPDN có những tác động khách quan từ bên ngoài. Điển hình như loạt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dồn đẩy tác động tiêu cực vào thị trường trong nước.

Và cũng phải thấy rằng khó khăn hiện nay là tổng hòa tác động từ bên trong và bên ngoài. Chưa bao giờ có những tác động và khó khăn như vậy.

Nếu so với các cuộc khủng hoảng trước đây, mức độ đã khác. Trước đây chúng ta chủ yếu ở thị trường tín dụng, thì nay thị trường chứng khoán và TPDN đã ở quy mô lớn hơn trước rất nhiều, nên tính phức tạp cũng lớn hơn. Giờ cả một hệ thống các thị trường tài chính lớn và phức tạp như vậy, tính lan truyền nhanh và khó khăn trở nên gấp bội.

Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy với thị trường TPDN, Nghị định 65 vừa ban hành có quy định mà Bộ Tài chính nhấn mạnh ở nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Như vậy thì Chính phủ không thể xen vào.

Tuy nhiên, trong tình huống đặc biệt thì Chính phủ vào cuộc vì mục đích bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Trong những trường hợp trên thế giới, khi tài chính quốc gia khó khăn người ta còn có thể tạm hoãn trả nợ bên ngoài để từng bước xử lý nội tại đã, cũng như chờ khủng hoảng đi qua và phục hồi.

Ông nói gì về hướng khủng hoảng đi qua và phục hồi trong tương lai?

Mọi cuộc khủng hoảng rồi sẽ đi qua. Vấn đề là thời gian và cần thời gian. Thị trường cũng không thể suy giảm và đi xuống mãi được. Đến một điểm nào đó, Chính phủ phải vào cuộc, ví như việc bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường và nền kinh tế, từng bước phục hồi.

Tôi cho rằng nhà đầu tư cũng cần cân nhắc các tình huống. Với những nhà đầu tư chịu đựng được lúc này thì nên kiềm chế các quyết định vội vã của mình, như vậy vừa bất lợi cho nhà phát hành, cho quỹ đầu tư vừa bất lợi cho chính mình, bởi thị trường không thể đi xuống mãi được và các cuộc khủng hoảng rồi sẽ đi qua.

Tất nhiên, chúng ta cũng cần thấy nhiều nhà đầu tư có thể không chịu được khi họ tích cóp cả đời, dồn tiền tiết kiệm của mình vào đó. Chúng ta đã chứng kiến các quỹ hưu trí ở Mỹ sụp đổ hồi khủng hoảng 2008 đó, đó là những rủi ro. Với họ, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ.

Nhưng như trên tôi đã nói, khi đầu tư là lời ăn lỗ chịu, đầu tư có rủi ro và trách nhiệm, chấp nhận rủi ro. Bởi có những chính sách hoặc việc giải cứu nào đó cũng khó, khi kinh tế thị trường thì phải chấp nhận tính thị trường và chấp nhận sự đào thải của thị trường.

Bích Thu