|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu VPD đạt đỉnh, Xây dựng Tuấn Lộc muốn rút sạch vốn ở Công ty Phát triển Điện lực Việt Nam sau 6 năm đầu tư

15:53 | 08/12/2022
Chia sẻ
Công ty Tuấn Lộc có hoạt động chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp. Thời gian qua công ty góp mặt nhiều trong các thương vụ M&A, mua cổ phần của các công ty xây dựng niêm yết trên sàn.

CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ gần 18,3 triệu cổ phiếu VPD,  tương ứng tỷ lệ 17,17% vốn điều lệ của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam nhằm cơ cấu tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 12/12/2022 đến 6/1/2023.

Động thái Tuấn Lộc muốn bán cổ phần VPD đang nắm giữ trong bối cảnh cổ phiếu VPD ghi nhận nhiều phiên tăng liên tiếp, từ vùng giá 22.050 đồng/cp chốt phiên 22/11 lên 26.000 đồng/cp chốt phiên 7/12, tức sau hơn 2 tuần. Tạm tính với mức giá 26.000 đồng/cp, ước tính Tuấn Lộc có thể thu về gần 476 tỷ đồng từ việc thoái vốn.

Giá cổ phiếu VPD đang ở vùng cao nhất lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2016. (Nguồn: TradingView).

Theo bản cáo bạch công bố tháng 1/2016, Tuấn Lộc là một trong ba cổ đông lớn của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam với tỷ lệ nắm giữ lúc đó là 12,36%. Thời điểm Công ty Phát triển Điện lực Việt Nam vừa chuyển giao dịch từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE từ 22/1/2018 với giá tham chiếu 15.100 đồng/cp, Tuấn Lộc đã mua vào 4,93 triệu cổ phiếu VPD để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 17,17% như hiện tại.

Ngoài Tuấn Lộc, Tổng Công ty Phát điện 1 nắm 36,65% vốn của CTCP Phát triển điện lực Việt Nam bên cạnh CTCP Nhiệt điện Phả Lại là 10,61%.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Công ty Phát triển Điện lực Việt Nam.

Công ty Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc được thành lập vào năm 2005 với tên gọi ban đầu Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tuấn Lộc. Đến năm 2008, doanh nghiệp đổi tên như hiện tại với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch, bê tông cốt thép...

Ông Trần Tuấn Lộc, gốc Nghệ An, là một trong những cổ đông sáng lập. Hiện người đại diện pháp luật của Tuấn Lộc là ông Bùi Thái Hà. Công ty đặt trụ sở tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM. 

 Ông Trần Tuấn Lộc, một trong các cổ đông sáng lập Công ty Tuấn Lộc. (Ảnh: Zingnews).

Tuấn Lộc từng góp mặt tại các dự án Đầu tư Khu Công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai); dự án đầu tư xây dựng Khu Công Nghiệp Tuấn Lộc - Khu Kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An; dự án đầu tư xây dựng Đường cao Tốc Trung Lương – Mỹ Thuận,...

Ngoài ra, Tuấn Lộc còn được biết đến với vai trò nhà đầu tư tham gia dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (hơn 2.700 tỷ đồng), dự án BT Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP Biên Hòa (518 tỷ đồng),...

Trong lĩnh vực M&A, Tuấn Lộc từng được biết đến với một loạt thương vụ như mua 21% cổ phần Công ty Cảng Nghệ Tĩnh (NAP), mua 49% KCN Nhơn Trạch 6, sở hữu hơn 33% tại KCN Hiệp Phước (HPI), mua 33% tại CTCP Sonadezi Giang Điền và sở hữu 10% tại Công ty Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB),...

Ngoài ra, công ty này còn chi tiền mua cổ phần các công ty trong lĩnh vực xây dựng niêm yết trên sàn. Hồi năm 2014, Tuấn Lộc cũng đã mua 51,5%% cổ phần Cienco 4, nhưng sau đó đã thoái toàn bộ vốn vào năm 2016.

Tháng 6/2015, Tuấn Lộc trở thành cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) với tỷ lệ sở hữu 5,89%. Một tháng sau, Tuấn Lộc tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại CII lên 12,5%, và chỉ ít ngày sau đó, công ty này bán ra tổng cộng 22,78 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,8%, số tiền Tuấn Lộc thu về ước khoảng 620 tỷ đồng.

Tháng 7/2016, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đấu giá 14 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng với mức giá bình quân 14.200 đồng/cp, trong đó Tuấn Lộc đã mua 41,8 triệu đơn vị, tương đương 38% vốn điều lệ của CC1, trở thành cổ đông lớn thứ hai nắm giữ cổ phần CC1, sau cổ đông Nhà nước. Tuy nhiên vào đầu tháng 6/2021, Công ty Tuấn Lộc đã bán toàn bộ hơn 20,8 triệu cổ phiếu CC1, tương đương với gần 19% vốn doanh nghiệp, thu về xấp xỉ 300 tỷ đồng.

Minh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.