|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung doanh nghiệp niêm yết muốn làm dự án hydro xanh 7,6 tỷ USD tại Quảng Trị

14:36 | 09/10/2022
Chia sẻ
Trong nhóm liên doanh đầu tư dự án 7,6 tỷ USD tại Quảng Trị, PECC2 là công ty duy nhất niêm yết trên sàn, hoạt động chính trong mảng tư vấn điện. Từ năm 2019, doanh nghiệp do EVN nắm 51% này bắt đầu mở rộng sang mảng năng lượng tái tạo và lên mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu ba năm tới.

Mới đây, liên danh An Xuân – Vinapitco – Eternal Power – PECC2 đã đề xuất tỉnh Quảng Trị làm dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng, bao gồm: Các nhà máy điện mặt trời, điện gió; nhà máy sản xuất H2/NH3 dự kiến tại Khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 40 ha.

Dự kiến quy mô công suất các nhà máy thuộc Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng gồm 3 giai đoạn, trong đó: Giai đoạn 1 có quy mô công suất điện mặt trời là 700 MWp, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 2 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 3 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư ba giai đoạn là hơn 7,5 tỷ USD (tương đương hơn 175.600 đồng), trong đó giai đoạn 1 là 1,35 tỷ USD (hơn 31.300 tỷ đồng).

An Xuân (tên đầy đủ là CTCP Năng lượng An Xuân) được thành lập vào năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển các dự án về năng lượng. Hiện nay, An Xuân có 4 nhà máy thủy điện hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 94,5 MW và đang thực hiện đầu tư dự án thủy điện Simacai tại tỉnh Lào Cai và các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Điện Biên với tổng công suất 100 MW. 

Trong khi đó, Vinapitco (tên đầy đủ là Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh Điện năng Việt Nam),  được thành lập vào năm 2015. Công ty này sở hữu nhà máy thủy điện Xím Vàng 2 công suất 18 MW tại Sơn La mới mức đầu tư 500 tỷ đồng. Còn Eternal Power là doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại Hamburg, Đức do 5 chuyên gia năng lượng tái tạo thành lập.

Trong nhóm các nhà đầu tư đề xuất làm dự án trị giá 7,6 tỷ USD, PECC2 là công ty duy nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Công ty tư vấn kỹ thuật điện cho nhiều dự án trọng điểm

CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2 - Mã: TV2) được thành lập vào tháng 7/1985, đến tháng 11/2007 chuyển đổi thành tên như hiện tại với số vốn điều lệ 450 tỷ đồng trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ hơn 51% số cổ phần. PECC2 hoạt động chính trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, giám sát và quản lý xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện,… 

PECC2 cho biết, khởi đầu công ty là tư vấn kỹ thuật cho các dự án thủy điện như dự án Thủy điện Thác Mơ mở rộng, dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Nhà máy thủy điện Hòa Bình,… Sau đó không dừng lại ở vai trò tư vấn, PECC2 lấn sang cả thiết kế (EPC) và quản lý dự án (PMC) các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân như Trung tâm điện lực Phú Mỹ, Ô Môn, Cà Mau, Nhơn Trạch, Vĩnh Tâm…

Tính đến cuối năm 2021, PECC2 đã thực hiện hơn 100 dự án nguồn điện với công suất hơn 25.000 MW, hơn 150 trạm biến áp 28.000 MVA, hơn 400 dự án đường dây với chiều dài trên 6.000 km, đồng thời quản lý vận hành nhà máy điện với công suất trên 2.300 MW.

Lấn sang mảng năng lượng tái tạo, doanh thu vượt mốc 3.000 tỷ đồng

Với sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ, PECC2 thường được trúng thầu các dự án thuộc EVN hoặc các đơn vị thành viên cùng tập đoàn. Giai đoạn trước năm 2016, doanh thu thuần của PECC2 chưa tới 800 tỷ, nhưng đến năm 2016, doanh thu của công ty đạt gấp đôi lên 1.646 tỷ đồng, trong đó mảng hoạt động khảo sát thiết kế tăng gấp đôi so với năm trước đó, ghi nhận hơn 1.500 tỷ.

Đồng thời, PECC2 đã bắt đầu rẽ hướng đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời – giai đoạn nóng của các dự án năng lượng. 

PECC2 làm tư vấn giám sát thi công cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 với tổng giá trị đầu tư 1,82 tỷ USD. (Ảnh minh họa: PECC2). 

Từ năm 2019, PECC2 đã trở thành tổng thầu EPC, nhà thầu phụ tại nhiều dự án năng lượng tái tạo. Riêng trong năm 2019, PECC2 đã đưa hai nhà máy điện mặt trời vào hoạt động là Nhà máy Điện mặt trời Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - giai đoạn 1, Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 3.1 và dự án Điện gió Tân Thuận,…

Do đó, năm 2019 đến năm 2021 là giai đoạn doanh thu của PECC2 đạt đỉnh khi đều đạt trên 3.300 tỷ đồng. Lợi nhuận đều được duy trì trên dưới 250 tỷ qua các năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của PECC2.

Theo báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vào cuối năm 2021, giai đoạn từ 2015 – 2021, với tư cách là nhà thầu EPC cho các nhà máy điện gió và điện khí LNG, PECC2 đã có lượng backlog EPC 500 triệu USD cho các dự án có tổng vốn đầu tư là 3 tỷ USD.

PECC2 cũng đang đấu thầu cho các dự án backlog tiềm năng khoảng 900 triệu USD cho các dự án có tổng vốn đầu tư là 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, chủ yếu bao gồm các dự án gió và LNG. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có công suất điện gió 10.000 MW và đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu công suất điện gió của Việt Nam đạt 18.010 MW vào năm 2030.

Song song đó, PECC2 cũng đang đấu thầu một dự án nhiệt điện LNG là Khu liên hợp Long Sơn giai đoạn 1 (1,3 tỷ USD) và nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị (2 tỷ USD).

Sang năm 2022, PECC2 kỳ vọng doanh thu là 1.927 tỷ, lợi nhuận 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và giả 63% so với kết quả năm ngoái. Trong đó công tác EPC dự kiến đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu.

Giải thích lý do đặt kế hoạch thận trọng, ban lãnh đạo PECC2 cho biết năm 2022 là năm lĩnh vực năng lượng Việt Nam bước vào giai đoạn chờ đợi sau đà tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện các dự án điện đầu tư lớn của cả nước chưa thể triển khai được do vướng Quy hoạch Điện VIII, các chính sách giá điện mới chưa được thông qua,... do đó giá trị công tác tổng thầu EPC của dự án cũng giảm theo.

Tuy nhiên trong ba năm tiếp theo, ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ đạt được mức 10.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 4 con số thông qua các chiến lược kinh doanh đã vạch sẵn.

Trong năm nay, PECC2 sẽ kinh doanh đa thị trường, mở rộng kinh doanh sang các nước trong khu vực, không giới hạn ở Việt Nam (nhất là lĩnh vực tư vấn), đầu tư góp vốn vào các công ty theo chủ trương EVN phê duyệt, là các công ty năng lượng tái tạo biomass, khí. Đồng thời công ty sẽ thoái vốn tại CTCP EVN Quốc tế và CTCP Thủy điện Buôn Đôn. 

Về dài hạn, PECC2 đang đề xuất giảm sở hữu của EVN từ 51% xuống còn khoảng 30%. Dự kiến tới đây đề xuất này sẽ đưa vào trình trong kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ giúp công ty tránh các rào cản về luật đấu thầu, cũng như có nhiều quyền tự quyết hơn trong vấn đề kinh doanh, nhưng vẫn hưởng lợi từ các công trình trong lẫn ngoài EVN. 

Quy mô tài sản đứng đầu nhóm tư vấn điện thuộc EVN

Xét giai đoạn 2016 – 2021, tổng nguồn vốn của PECC2 tăng từ 1.460 tỷ đồng lên 4.465 tỷ đồng vào năm 2021. Còn vốn điều lệ tăng từ gần 51 tỷ đồng lên hơn 450 tỷ đồng, tức gấp 8,8 lần.

Tính đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của PECC2 giảm 1.564 tỷ đồng so với đầu năm về 2.901 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do các khách hàng đã trả nợ hơn 1.300 tỷ đồng, phần lớn đến từ CTCP Đầu tư Năng lượng Tái tạo Cà Mau. Về cơ cấu nguốn vốn, công ty đi vay 162 tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng nợ phải trả. 

 Phải thu ngắn vẫn là khoản chiếm phần lớn trong tổng tài sản của PECC2. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II/2022 của PECC2). 

Trong nhóm các công ty tư vấn điện cùng Tập đoàn EVN, PECC2 là doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất, gấp 2,2 lần so với công ty liền kề (TV1), xét tại ngày cuối tháng 6/2022. Doanh thu thuần theo đó cũng hơn gấp đôi. Tuy nhiên nếu dựa theo chỉ số ROA (Lợi nhuận/Tổng tài sản) cũng như xét về ROE (Lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), chỉ số của PECC2 chỉ xếp trên PECC1 (Mã: TV1).

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II/2022 của các doanh nghiệp. 

Minh Hằng