Cổ phiếu tâm điểm ngày 27/2: GVR, AAA, DNM
GVR - Hồi phục
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Hồi phục.
- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ trung tính, MACD nằm trên đường tín hiệu.
- Chỉ báo RSI: vùng trung lập, xu hướng tăng.
Phân tích:
GVR đang nằm trong nhịp tích lũy trung hạn tại vùng giá 10 - 12. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình giao dịch 20 phiên trong ba phiên giao dịch gần nhất, cho thấy động lực tăng khá mạnh.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế tại vùng giá 11 - 12.
AAA - Xu hướng tăng bền vững chưa rõ ràng
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Hồi phục.
- Chỉ báo xu hướng MACD: xuất hiện Golden Cross.
- Chỉ báo RSI: tăng dần nhưng chưa vượt qua giá trị 50.
- Đường MA: EMA12 ở dưới EMA26.
Phân tích:
AAA đang trong trạng thái hồi phục trở lại sau khi đã giảm giá trung hạn trong nửa cuối năm ngoái từ vùng giá 18 - 19 về ngưỡng 11. Thanh khoản cổ phiếu trong những tuần gần đây đang có dấu hiệu cải thiện dần.
Các chỉ báo kĩ thuật hiện đang chưa có sự đồng nhất về trạng thái. Điều tích cực là chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross, đánh dấu sự trở lại tươi sáng hơn của cổ phiếu. Tuy vậy, chỉ báo động lượng RSI dù đang tăng dần nhưng chưa vượt qua giá trị 50, đồng thời đường EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 nên dư địa tăng của cổ phiếu có thể không nhiều.
Nhìn chung, AAA vẫn có tiềm năng tiếp cận trở lại các ngưỡng kháng cự cao hơn trong thời gian tới nhưng viễn cảnh về một đà tăng bền vững vẫn chưa thực sự rõ ràng.
DNM - Dịch bệnh là điểm nhấn hỗ trợ cho đà tăng cổ phiếu
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Ngưỡng kháng cự ngắn hạn: 17,6
- Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn: 13,94
- Xu hướng ngắn hạn (5-10 ngày): Tăng
- Ngưỡng kháng cự trung hạn: 16,9
- Ngưỡng hỗ trợ trung hạn: 10,1
- Xu hướng trung hạn (1-3 tháng): Giảm
Phân tích:
DNM là cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ (MicroCaps) với giá trị vốn hóa là 59 tỉ VNĐ trong nhóm ngành thiết bị và dịch vụ y tế, đây cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế - ngành được xem là hưởng lợi chính từ dịch bệnh virus Corona.
Mức Stock Rating hiện tại của DNM là 74 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng trung hạn của cổ phiếu này là trung tính, điểm tiêu cực là mức cơ bản của DNM chỉ ở mức 56 điểm, nhưng “catalyst” dịch bệnh là điểm tác động chính vào đà tăng giá cổ phiếu trong giai đoạn này.
Thanh khoản của DNM đã cải thiện kể từ tháng 2/2020 cho thấy dòng tiền ngắn hạn cải thiện ở cổ phiếu này khi trước đó cổ phiếu này không có thanh khoản. Xu hướng ngắn hạn của DNM được nâng từ mức giảm lên tăng.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.