Thị trường chứng khoán 26/2: VN-Index mất gần 14 điểm, YEG tăng kịch trần sau thông tin ái nữ Tân Hiệp Phát mua cổ phần
Kết phiên, VN-Index giảm 13,7 điểm (1,51%) xuống 895,97 điểm; HNX-Index giảm 0,05% xuống 106,61 điểm; UPCoM-Index giảm 0,34% xuống 55,34 điểm.
Áp lực bán duy trì đến cuối phiến khiến VN-Index rơi khỏi mốc 900 điểm. Cổ phiếu GAS giảm 3,7% xuống còn 79.900 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Hai cổ phiếu họ Vingroup VIC, VHM có thời điểm chạm giá sàn trong phiên ATC, khối ngoại bán ròng hàng trăm đơn vị đối với hai mã này.
Nhóm ngân hàng chứng kiến sự phân hóa mạnh. Các cổ phiếu vốn hóa lớn VCB, BID, CTG, MBB chìm trong sắc đỏ, ngược lại cổ phiếu SHB tăng kịch trần và dư mua hàng triệu đơn vị.
Cổ phiếu YEG tăng kịch trần sau thương vụ mua vào của ái nữ Tân Hiệp Phát, đóng cửa tại 52.700 đồng/cp. Cổ phiếu GAB lập đỉnh mới tại 92.500 đồng/cp.
Độ rộng thị trường tiêu cực với 389 mã giảm giá, 259 mã tăng giá và 154 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường đạt 224,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.976 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 384,6 tỉ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng chỉ số VN30 có phiên biến động mạnh với biên độ lên tới trên 10 điểm, hiện có 3 hợp đồng ở trạng thái chênh lệch âm so với chỉ số VN30.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 12,32 điểm (1,35%) xuống 897,35 điểm; HNX-Index tăng 0,13% lên 106,8 điểm; UPCoM-Index giảm 0,54% xuống 55,23 điểm.
Xu hướng tiêu cực tiếp tục chi phối thị trường. Trong bối cảnh đó, dòng tiền chuyển dịch sang tìm kiếm cơ hội tại các cổ phiếu đầu cơ. Cổ phiếu G36, DRH tăng kịch trần; cổ phiếu VCR tăng 6,8%.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 10,04 điểm (1,1%) xuống 899,63 điểm; HNX-Index tăng 0,07% lên 106,73 điểm; UPCoM-Index giảm 0,34% xuống 55,34 điểm.
Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi hầu hết chỉ số đều giảm điểm. VN-Index ghi nhận sự hồi phục vào giữa phiên, tuy nhiên áp lực bán lại tăng lên sau đó khiến chỉ số rơi khỏi mốc 900 điểm. Đà giảm chủ yếu đến từ các cổ phiếu GAS, VHM, VNM và các mã ngân hàng BID, VCB, HDB, CTG, MBB.
Sắc đỏ chi phối tại phần lớn các nhóm cổ phiếu như thép, chứng khoán, hàng không, dệt may, dầu khí, bất động sản. Ngược lại, nhóm cao su giao dịch khởi sắc khi cổ phiếu GVR sắp chuyển niêm yết sang sàn HOSE.
Cổ phiếu YEG dư mua hơn 100.000 đơn vị tại giá trần 52.700 đồng/cp, tiếp tục xu hướng bứt phá từ đầu tháng 2/2019. Cổ phiếu GAB lập đỉnh mới tại 92.000 đồng/cp.
Độ rộng thị trường phiên sáng tiêu cực với 336 mã giảm giá, 214 mã tăng giá và 121 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước đó, với khối lượng giao dịch đạt 127,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.140 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 168,4 tỉ đồng.
Tính đến 10h50, VN-Index giảm 7,88 điểm (0,87%) xuống 901,79 điểm; HNX-Index tăng 0,38% lên 107,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,18% xuống 55,43 điểm.
Thị trường bắt đầu ghi nhận sự hồi phục tại một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Bộ đôi VPB, TCB giao dịch khởi sắc giúp VN30-Index thu hẹp đà giảm còn hơn 3 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu SHB tăng kịch trần giúp HNX-Index đảo chiều tăng 0,23%.
Cổ phiếu YEG tăng kịch trần (6,9%) lên 52.700 đồng/cp, đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm 2020. Mới đây, bà Trần Uyên Phương công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Yeah1 sau khi liên tục mua vào cổ phiếu YEG. Sau giao dịch, bà Trần Uyên Phương sở hữu gần 6,8 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 21,61% vốn điều lệ của Yeah1.
Được biết, bà Trần Uyên Phương là Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giải khát tại Việt Nam.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 7,74 điểm (0,85%) xuống 901,93 điểm; HNX-Index giảm 0,23% xuống 106,42 điểm; UPCoM-Index giảm 0,45% xuống 55,28 điểm.
Sau phiên hồi phục tích cực hôm qua, thị trường chứng khoán phiên sáng 26/2 lại lao dốc giữa những lo ngại về tình hình dịch covid-19. VN-Index có thời điểm rơi khỏi 900 điểm, hiện đang giằng co quanh mức điểm này.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là nguyên nhân khiến thị trường đi xuống, đặc biệt là họ Vingroup và nhóm ngân hàng. Riêng bộ đôi VIC, VHM khiến VN-Index mất đi gần 2 điểm, trong đó VIC giảm 1% và VHM giảm 1,3%. Ở chiều ngược lại, các mã FPT, MWG, VPB, VRE, REE giao dịch tích cực nhưng không đủ ngăn chỉ số giảm sâu.
Nhóm hàng không vẫn chưa ngừng xu hướng giảm giá. Cổ phiếu HVN giảm 1% xuống 23.650 đồng/cp, vùng giá thấp nhất trong hơn 2 hai năm trở lại đây. Cổ phiếu VJC giảm tiếp 1,3% xuống 125.400 đồng/cp.
Trong nhóm bất động sản, cổ phiếu IDJ gây sự chú ý khi liên tiếp tăng kịch trần sau khi chủ tịch IDJ Việt Nam đăng kí bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Trong khi đó, các cổ phiếu midcap như LDG, HDG, HBC, DXG, CRE đồng loạt giảm giá.
Đáng chú ý, nhóm Viettel trở thành tâm điểm thị trường khi đồng loạt tăng mạnh. Cổ phiếu VTK tăng 9,1% lên 26.500 đồng/cp; hai mã VGI, CTR tăng trên 2% trong khi VTP giao dịch tại tham chiếu.
Thị trường chứng khoán giao dịch tiêu cực trong bối cảnh dịch covid-19 tiếp tục lây lan tại nhiều nước.
Theo thống kê của tờ South China Morning Post (SCMP), tính đến sáng nay (26/2), tổng số người mắc covid-19 tại Hàn Quốc đã vượt trên 1.000 người và thêm 1 người tử vong so với chiều qua. Cụ thể, nước này hiện có 1.146 người nhiễm bệnh, 11 người tử vong.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/2 cho biết số ca nhiễm virus corona chủng mới đã lên đến 57 ca ở Mỹ. Trong đó có 40 người trở về từ tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục đà giảm sâu trong phiên 25/2 sau khi xuất hiện thêm thông tin đáng ngại liên quan tới dịch virus corona (SARS-CoV-2), hàng nghìn tỉ USD vốn hóa đã bị thổi bay khỏi thị trường.
Dow Jones sụt 879,44 điểm, tương đương 3,15%, còn 27.081 điểm. Trước đó vào phiên 24/2, Dow Jones đã sụt hơn 1.030 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này có hai phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng sụt trên 3% phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,8% và đóng cửa dưới ngưỡng 9.000 điểm và dưới mức khởi đầu năm 2020.