|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm ngày 13/10: BWE, FMC, MPC, DBC

07:10 | 13/10/2020
Chia sẻ
Nhận định về một số cổ phiếu tâm điểm được các công ty chứng khoán đưa ra gồm BWE, FMC, MPC, DBC.

BWE - Tích lũy ngắn hạn 

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)

Điểm nhấn kĩ thuật: 

- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn. 

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương, MACD nằm dưới đường tín hiệu. 

- Chỉ báo RSI: Vùng trung lập, hồi phục từ kênh Bollinger dưới. 

Phân tích:

BWE đang nằm trong xu hướng tích lũy ngắn hạn trong vùng giá 25 - 26. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, tuy nhiên lực và lực bán vẫn khá cân bằng trong phiên. 

Chỉ báo MACD vẫn chưa có tín hiệu hồi phục trong khi chỉ báo RSI đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu đang vận động quanh dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.

Cổ phiếu tâm điểm ngày 13/10: BWE, FMC, MPC, DBC - Ảnh 1.

Đồ thị kĩ thuật cổ phiếu BWE

MPC - Cơ hội đẩy mạnh thị phần nhờ hiệp định CPTPP và EVFTA

CTCP Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS)

Phân tích:

Hiệp định CPTPP, có hiệu lực từ tháng 1/2019, tạo ra cơ hội quí giá cho ngành tôm Việt Nam nói chung và Minh Phú nói riêng để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Canada và Úc. 

Cụ thể, thuế nhập khẩu cho sản phẩm tôm đông lạnh từ Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay từ 2019, trong khi thuế cho sản phẩm tôm chế biến sẽ được xóa bỏ dần về 0% vào năm 2022. Những ưu đãi này tạo ra lợi thế lớn cho Minh Phú so với các đối thủ từ Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia – những thị trường không tham gia CPTPP và không được hưởng ưu đãi thuế. 

Trong năm 2019, Nhật Bản, Canada và Úc là những thị trường chủ đạo của Minh Phú, đóng góp tổng cộng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Ngoài ra, EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020, được kì vọng sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu tôm từ Việt Nam tăng trưởng mạnh vào thị trường tiềm năng này. 

Cụ thể, thuế nhập khẩu cho tôm đông lạnh từ Việt Nam được giảm từ 4,2% về 0% ngay 2020, trong khi tôm chế biến sẽ được giảm dần thuế về 0% trong 7 năm. Tượng tự như CPTPP, ưu đãi từ EVFTA sẽ giúp Minh Phú có lợi thế so với các thị trường Ấn Độ (4,2% thuế), Thái Lan và Ecuador (12% thuế).

DBC – Duy trì tăng trưởng trong ngắn và trung hạn

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

DBC ghi nhận doanh thu thuần quí III/2020 đạt 2.382 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kì, LNST đạt 386 tỉ đồng, gấp 19 lần so với cùng kì. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 7.100 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kì, LNST đạt 1.136 tỉ đồng, gấp 23 lần so với cùng kì

KQKD ấn tượng là nhờ giá thịt lợn duy trì ở mức cao so với các năm trước; công ty áp dụng mô hình khép kín trong chăn nuôi giúp DBC không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch tả lợn châu Phi, trái lại tận dụng cơ hội gia tăng thị phần. 

Năm 2020, DBC đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.203 tỉ đồng (tăng 1,8 lần so với cùng kì), LNST đạt 457 tỉ đồng (tăng 1,5 lần so với cùng kì). Như vậy 9T2020, DBC đã đạt 54% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận 2,5 lần.

FMC - Doanh nghiệp đầu ngành với với kế hoạch phát triển bài bản

CTCP Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS)

Phân tích:

Với vị thế là DN đầu ngành xuất khẩu tôm, FMC được kì vọng hưởng lợi lớn và tận dụng nhanh chóng đà tăng trưởng của ngành xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Cụ thể trong 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm của FMC đứng thứ 3 toàn ngành, với thị phần tăng từ 3,9% (2017) lên 4,5% (2019). 

Nhận thấy những cơ hội trước mắt, FMC đã có những kế hoạch phát triển như tăng diện tích ao nuôi để nâng tỉ lệ tự chủ tôm nguyên liệu lên 30%, nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận. 

Ngoài ra, công ty còn đang có kế hoạch mở rộng xây dựng nhà máy Thủy Sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn để phát triển sản phẩm tôm chế biến cao cấp cho thị trường chiến lược EU và Mỹ.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ánh Hường