|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 20/5: DPM, DCM, QTP

19:45 | 19/05/2022
Chia sẻ
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP), DCM (Phân bón Dầu khí Cà Mau) và QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh).

DPM - Hưởng lợi từ giá bán tăng cao

CTCP Chứng khoán FPT (FTS)

Phân tích:

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán FPT cho biết mặc dù phân urê có dấu hiệu hạ nhiệt từ tháng 4/2022, giá bán urê trong năm 2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (Mã: DPM) được dự phóng đạt 15.660 đồng/kg, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp mảng urê năm 2022 ước đạt 49,8%, tăng 2,1% nhờ giá urê đầu ra tăng mạnh hơn giá khí đầu vào.

Sản lượng tiêu thụ urê năm 2022 ước tính đạt 810 nghìn tấn, tăng 8,1%, dựa trên nhu cầu urê dự báo duy trì ở mức ổn định và DPM không có bảo dưỡng tổng thể trong năm 2022. Đối với phân NPK, nhu cầu tiêu thụ NPK trong năm 2022 ước tính tăng trưởng ở mức cao 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu sử dụng thay thế phân đơn bằng phân phức hợp, phổ biến là phân NPK.

Trong đó, DPM có lợi thế hơn so với ngành nhờ có khả năng tự chủ nguồn phân urê đầu vào và tích trữ lớn lượng hàng tồn kho giá rẻ trong bối cảnh giá phân đơn tăng liên tục. Vì vậy, nhóm phân tích ước tính sản lượng tiêu thụ NPK của DPM đạt 172 nghìn tấn, tăng 13,5%, giá bán trung bình đạt 14.158 đồng/kg, tăng 58,7%.

DCM - Tín hiệu tích cực

Chứng khoán BIDV (BSC)

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Hồi phục

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương, MACD nằm dưới đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Vùng trung lập, hồi phục từ vùng bán quá

Phân tích:

DCM đang hình thành xu hướng hồi phục sau khi tạo đáy tại ngưỡng giá 24. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu đang hướng về đường MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang dần hình thành.

 Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu DCM. (Nguồn: BSC).

QTP - Sản lượng điện tăng trưởng

CTCP Chứng khoán FPT (FTS)

Phân tích:

Kết quả kinh doanh năm 2021 sụt giảm do giảm giá bán hợp đồng. Sản lượng điện năm 2021 của QTP vẫn đạt mức tăng trưởng tốt là 13% trong khi ngành điện đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của việc giảm giá bán hợp đồng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2021 của QTP đã giảm lần lượt 7% và 56% so với 2020.

Sản lượng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý I/2022, QTP đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Sản lượng điện quý I/2022 của QTP tăng trưởng 39,5% so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, QTP còn được hưởng lợi nhờ giá điện trên thị trường cạnh tranh tăng cao. Nhờ đó, doanh thu và lãi sau thuế của QTP tăng trưởng lần lượt 45% yoy và 195%.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.