Tiếng lòng nhà đầu tư nhỏ lẻ và những tồn tại lâu nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong những ngày này, thị trường chứng khoán Việt Nam nhạy cảm hơn với những thông tin thị trường. Sau cú sụt khiến VN-Index giảm hơn 300 điểm cuốn bay khoảng 50 tỷ USD vốn hóa sàn HOSE, tâm lý thị trường yếu hơn, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân.
Những giải pháp kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý nhà nước tác động không nhỏ, giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý hơn bởi chính họ cảm nhận những thay đổi đang hướng đến một thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch và an toàn.
Tuy vậy, những thay đổi này vẫn cần nhiều hơn thế, thị trường chứng khoán vẫn đang vận hành với nhiều khúc mắc của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân như sự nghèo nàn về sản phẩm phái sinh, bất thường phiên ATC, tiêu chí những cổ phiếu trong rổ VN30…
Phái sinh được coi là “đánh bạc” khi nghèo nàn sản phẩm
Kể từ khi bắt đầu đi vào vận hành tháng 7/2018, phái sinh thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư cá nhân với một sản phẩm mới. Song, thị trường này lại biến động quá mạnh và giao dịch với nhiều tín hiệu khó hiểu làm giảm sức nóng.
Đơn cử, có những giai đoạn cổ phiếu VN30 bất ngờ giảm sâu, tăng sốc đi ngược xu hướng của thị trường chung, thậm chí khiến chứng khoán Việt Nam ngược chiều khu vực hay toàn cầu. Phiên đáo hạn phái sinh được nhà đầu tư xem như “đặc sản” của chứng khoán Việt Nam. Chỉ trong ít giây trong ngày đào hạn phái sinh, cổ phiếu có thể bất ngờ tăng trần giảm sàn. Nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có “bàn tay vô hình” đằng sau thị trường phái sinh?
Tuy nhiên, việc nghi ngờ là của nhà đầu tư cá nhân, phái sinh không phải là sân chơi cho những người “yếu tim”. Đáng buồn hơn, từ chỗ là sản phẩm phòng vệ rủi ro, phái sinh trong mắt nhà đầu tư là “đánh bạc”. Bất thường trên thị trường phái sinh khiến báo giới nhiều lần đặt câu hỏi với những người đừng đầu ngành chứng khoán.
Câu trả lời nhận được dừng như thị trường này gần như không có gì có thể tác động để có thể trở lại bình thường. Cuối năm 2020, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết những bất thường trên thị trường phái sinh có thể đến từ giao dịch của khối ngoại, ETF.
Người đứng đầu của UBCK còn cho biết nếu thấy điểm bất cập về tính chủ số ngày đáo hạn, cơ quan này sẽ xem xét chỉnh sửa để phù hợp với tình hình mới. Giải pháp khác là đa dạng thêm các sản phẩm phái sinh để phân tán.
Sau 4,5 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có sản phẩm duy nhất dựa trên hợp đồng tương lai chỉ số VN30 với 4 kỳ hạn. Cách tính giá đáo hạn phái sinh là giá đóng cửa của phiên ATC. Những thay đổi về quy chế giao dịch là không nhiều ngoài việc nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ từ 10% lên 13%.
Chỉ trong ngày gần đây, khi thị trường cần những giải pháp kỹ thuật để nhà đầu tư bình tâm trong sóng gió. Thay đổi cách tính giá đáo hạn phái sinh là giải pháp tình thế được đưa ra. Thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC, bây giờ sẽ được tính trung bình 30 phút cuối phiên.
Góc nhìn từ người trong ngành, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng khung thời gian tính giá đáo hạn phái sinh vẫn có khả năng điều chỉnh sang các khung thời gian rộng hơn như 1 giờ, 2 giờ hoặc trong phiên chiều ngày đáo hạn.
Bên cạnh đó, những sản phẩm phái sinh cần đa dạng hơn như rổ VN50, VN70, VN100 để phân tán sự tác động của các mã trong rổ hay là phục vụ chính đáng nhu cầu của nhà đầu tư đúng nghĩa là phòng vệ rủi ro danh mục đầu tư.
Hơn thế nữa, câu chuyện những nhà đầu tư tổ chức có đẩy đủ công cụ như robot tính toán và đặt lệnh phái sinh, lượng tiền dồi dào để “cân lệnh” hay lượng cổ phiếu cơ sở lớn cũng cần được được quan tâm để phát triển thị trường một cách công bằng hơn.
Có nên bỏ đi phiên giao dịch ATC
Tiếp tục với câu chuyện của thị trường, phiên ATC không chỉ gây tranh cãi trong giao dịch phái sinh mà những giao dịch trên thị trường cơ sở cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Không ít lần cổ phiếu đảo chiều chóng vánh ít giây cuối phiên bằng một lượng đặt mua hoặc đặt bán lớn bất ngờ.
Ví dụ, cổ phiếu của ngân hàng SHB được giới đầu tư xem là “vua phiên ATC” khi mã này có thể đảo ngược tăng trần hay giảm sàn vào cuối giờ, đối lập hoàn toàn với phần lớn thời gian giao dịch trong ngày.
Với những bất thường trong phiên ATC, nhà đầu tư đặt vấn đề liệu có nên loại bỏ phiên giao dịch này. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có hai sàn (HOSE, HNX) và thị trường UPCoM. Mỗi nơi có những quy chế giao dịch riêng. HOSE áp dụng phiên ATO và ATC, HNX không có phiên ATO nhưng khớp lệnh cuối phiên ATC. Thị trường UPCoM không có hai phiên ATO và ATC, giá được sử dụng là giá trung bình trong ngày giao dịch.
Minh bạch hơn dữ liệu về giao dịch khối tự doanh
Như đã đề cập bên trên, việc cung cấp trở lại dữ liệu giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán lấy lại được niềm tin về sự công bằng và minh bạch của những nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 2, HOSE bất ngờ ngừng cung cấp dữ liệu giao dịch của khối tự doanh cho những công ty cung cấp dữ liệu. Trước đó, dữ liệu này nằm trong dịch vụ cung cấp dữ liệu có trả phí của sở này.
Ngày 17/5 vừa qua, HOSE cung cấp dữ liệu giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán theo dạng báo cáo cuối ngày. Lần trở lại này, dữ liệu được HOSE cung cấp miễn phí. Nhà đầu tư còn được tiếp cận thêm giao dịch của khối tự doanh với vai trò là nhà tạo lập giao dịch chứng quyền có đảm bảo.
Theo ý kiến của một số nhà đầu tư trên thị trường, những dữ liệu giao dịch của khối tự doanh CTCK nên hiện thị trực tuyến (realtime) trên bảng điện để có thể theo dõi, phân tích các tổ chức đang làm gì giống như những lệnh giao dịch của khối ngoại.
Nhìn lại tiêu chuẩn VN30 từ trường hợp cổ phiếu ROS
Bên cạnh những vấn đề liên quan giao dịch, những tiêu chí cổ phiếu trong rổ VN30 cũng được giới đầu tư quan tâm. Hiện rổ VN30 đang được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) sàng lọc dựa trên ba tiêu chí đó là giá trị vốn hóa, tỷ lệ free-float và tính thanh khoản.
Việc đưa ra tiêu chí thiên về định tính, thiếu đi các yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh, thương hiệu doanh nghiệp, lịch sử hoạt động… khiến rổ chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phiến diện, không thực chất.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá nhà đầu tư tài chính cá nhân (VAFI) lấy ví dụ về trường hợp cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros. Là một công ty xây dựng địa phương, Xây dựng FLC Faros liên tục tăng vốn điều lệ hàng chục lần từ 225 tỷ đồng (năm 2014) lên 5.675 tỷ đồng (năm 2018). Hoạt động chính của công ty là thi công các dự án bất động sản liên quan đến Tập đoàn FLC. Giá cổ phiếu này tăng phi mã bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan hay mức định giá cao chót vót.
Nói về ROS, đây chính là cổ phiếu tạo dựng thương hiệu “người giàu nhất thị trường chứng Việt Nam” cho ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC chứ không phải mã FLC. ROS từng có thị giá lớn nhất trên thị trường với quy mô vốn hóa nhiều tỷ USD. Ông Trịnh Văn Quyết và vợ đều từng sở hữu cổ phiếu này.
Với việc ROS được đưa vào rổ VN30 theo các tiêu chí định tính như vừa nêu, nhiều quỹ đầu tư chỉ số mô phỏng theo danh mục đã mua vào lượng lớn cổ phiếu. Việc cổ phiếu ROS lao dốc từ thị giá hàng trăm nghìn đồng cho mỗi cổ phần xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/cp gây thiệt hại không nhỏ các quỹ đầu tư và cá nhân.
Minh bạch quy chế niêm yết và giao dịch của VNX
Bên cạnh các tiêu chí của rổ VN30, sự thay đổi tiêu chí cảnh báo cổ phiếu gần đây cũng được nhà đầu tư quan tâm khi liên đến bluechip và nhiều mã trên thị trường. Theo quy chế niêm yết và giao dịch mới (Quyết định số 17 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) có hiệu lực từ ngày 31/3/2022), quy định cổ phiếu vào diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kiểm toán là số âm đã được bãi bỏ.
Trong quy chế mới, doanh nghiệp bị lỗ nhưng phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán không bị âm thì vẫn không vào diện cảnh báo. Hệ quả là nhiều cổ phiếu trên thị trường thoát án cảnh báo dù kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tuy được hai sở HOSE và HNX đưa vào áp dụng, loại bỏ nhiều mã khỏi diện cảnh báo, nội dung cụ thể của Quyết định 17 nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể tiếp cận. Tìm hiểu trên nhiều mục của website hai sở HOSE, HNX, quy chế giao dịch mới chưa được đăng tải.
Ngoài những vấn đề trên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều câu chuyện cần giải quyết như hoạt động của các kho chứng khoán làm méo mó thị trường, hệ lụy sau giai đoạn phát hành cổ phiếu tràn lan của các công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/