|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB dẫn đầu giảm giá, STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành

17:50 | 21/06/2020
Chia sẻ
Tuần vừa qua, SHB là mã giảm mạnh nhất ngành ngân hàng (giảm 8,1%). Trong khi đó, với hơn 94 triệu đơn vị được giao dịch, STB chiếm hơn 1/4 thanh khoản toàn ngành.

Vốn hóa toàn ngành giảm gần 9.300 tỉ đồng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (15/6 - 19/6), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 941.260 tỉ đồng, giảm gần 9.300 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 12/6), tương ứng giảm 1%.

Đây là tuần thứ hai liên tiếp vốn hóa toàn ngành sụt giảm. Trước đó, vốn hóa của 18 ngân hàng cũng giảm gần 20.800 tỉ đồng, tương đương 2,1% trong tuần giao dịch 8/6 - 12/6.

Đóng cửa ngày 19/6, vốn hóa thị trường của Vietcombank ở mức 316.738 tỉ đồng, giảm 742 tỉ đồng so với mức chốt ngày 12/6 . Với mức vốn hóa hiện tại, Vietcombank đã bị Vingroup "soán ngôi" doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.

Đứng sau Vietcombank lần lượt là hai ngân hàng gốc quốc doanh BIDV (vốn hóa 166.713 tỉ đồng) và VietinBank (vốn hóa 86.941 tỉ đồng).

Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.908 tỉ đồng, 3.609 tỉ đồng và 3.010 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành, SHB dẫn đầu giảm giá - Ảnh 1.

Vốn hóa các ngân hàng chốt ngày 19/6. (Nguồn: QT tổng hợp)

SHB dẫn đầu giảm giá

Tính chung trong 5 ngày giao dịch tuần qua, số lượng cổ phiếu ngân hàng giảm giá chiếm một nửa với 9/18 mã. Trong đó, SHB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất ngành (8,1%).

Ngoài SHB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng giảm giá trong tuần như TCB giảm 3,1%, BID giảm 2,5%, KLB giảm 2,1%,...

Ở chiều ngược lại, chỉ có 6 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua. Trong đó, thị giá NVB và LPB tăng mạnh nhất (2,3%). Ngoài NVB và LPB, 4 mã tăng giá trong tuần gồm có EIB (tăng 2%), VIB (tăng 1,2%), STB (tăng 0,8%) và CTG (tăng 0,2%).

3 mã đứng giá trong tuần bao gồm VBB, TPB và BAB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành, SHB dẫn đầu giảm giá - Ảnh 2.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 15/6 - 19/6. (Nguồn: QT tổng hợp)

STB tiếp tục chiếm hơn 1/4 thanh khoản toàn ngành

Xét về thanh khoản, trong tuần qua có tổng cộng gần 350,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 6.168 tỉ đồng; giảm 25% về khối lượng và giảm gần 28% về giá trị so với tuần trước.

Tuần qua, STB tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần 94,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.126 tỉ đồng. Như vậy, riêng STB chiếm hơn 1/4 khối lượng giao dịch toàn ngành.

Đây là tuần thứ hai liên tiếp STB dẫn đầu thanh khoản toàn ngành. Trước đó, cũng đã có 132,2 triệu cp STB được mua - bán trong tuần 8/6 - 12/6 với giá trị giao dịch đạt hơn 1.507 tỉ đồng.

Xếp tiếp sau STB về thanh khoản tuần qua là TCB với hơn 47,6 triệu cp, LPB gần 32,1 triệu cp, SHB gần 27,9 triệu cp, EIB gần 26,5 triệu cp, MBB hơn 25,2 triệu cp...

Ở chiều ngược lại, TPB, KLB và VBB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 272.450 cp, 17.120 cp và 6.124 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành, SHB dẫn đầu giảm giá - Ảnh 3.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 15/6 - 19/6 (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản nhiều cổ phiếu giảm mạnh

Tuần qua có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch TPB giảm mạnh nhất với chỉ hơn 272.000 cp được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm hơn 84% so với tuần trước.

Bên cạnh TPB, thanh khoản của nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm trên 50% như VIB (giảm 63,2%), KLB (giảm 61,4%), ACB (giảm 52%).

Ngoài ra, thanh khoản của những cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành như CTG, MBB, VPB, STB cũng giảm trên 20%.

Ngược lại, chỉ có 3 mã ghi nhận sự gia tăng thanh khoản trong tuần qua. Trong đó, khối lượng giao dịch của VBB tăng mạnh nhất với hơn 1 triệu cp được mua - bán, gấp 84 lần tuần trước. 

Cùng với VBB, thanh khoản của EIB và TCB cũng tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành, SHB dẫn đầu giảm giá - Ảnh 4.

Tăng, giảm khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Tiếp tục giao dịch thỏa thuận "khủng" tại TCB

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 267,2 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 4.500 tỉ đồng, chiếm 76% về khối lượng và 73% về giá trị.

Gần 83,3 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.664 tỉ đồng. 

Trong đó, TCB tiếp tục là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với 41,2 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần 50% lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch thỏa thuận trong tuần qua. Các giao dịch thỏa thuận chủ yếu diễn ra trong ba ngày 16/6, 18/6 và 19/6.

Bên cạnh TCB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại EIB (hơn 25,8 triệu cp), VPB (gần 7,3 triệu cp), MBB (gần 2,8 triệu cp) và NVB (2,5 triệu cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB chiếm 1/4 thanh khoản toàn ngành, SHB dẫn đầu giảm giá - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Đến 16/6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,13%

Theo số liệu của NHNN, đến giữa tháng 6 vẫn tiếp tục giữ ở mức khiêm tốn 2,13% nhưng toàn ngành ngân hàng đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Đến 8/6/2020, doanh số lũy kế cho vay mới lãi suất ưu đãi từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỉ đồng áp dụng cho 225.514 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18%, chào bán riêng lẻ 6,5% vốn

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2020, Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 18% và chào bán riêng lẻ 6,5% vốn.

Trong bộ tài liệu ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Vietcombank chưa công bố tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên theo tờ trình tăng vốn điều lệ, ngân hàng này cho biết nếu tăng vốn thành công, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10%.

Eximbank tiếp tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận, dự kiến mua lại toàn bộ nợ xấu VAMC trong năm 2020

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông vừa công bố, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.318 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước, tăng trưởng tín dụng dự kiến 8%, tỉ lệ nợ xấu dưới 2% và sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2020. Đồng thời, Eximbank dự kiến chào bán gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo qui định.

MBBank kế hoạch lợi nhuận giảm 10%, tăng 18% vốn điều lệ bằng trả cổ tức và chia cổ phiếu quĩ

Năm 2020, MBBank đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 9.000 tỉ đồng, giảm 10% so với năm trước, tăng trưởng tín dụng ước đạt 12%. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15% và chia hơn 25,6 triệu cổ phiếu quĩ cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

ĐHĐCĐ Techcombank 2020: Chủ tịch Hồ Hùng Anh nói về mục tiêu lợi nhuận tăng 1% và rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản

Theo Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh, do xuất hiện một số khách hàng chịu tác động bởi dịch bệnh không trả được lãi nên ngân hàng dự trù lợi nhuận chỉ tăng trưởng nhẹ 1% trong năm 2020.

Đối với rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, ông Hồ Hùng Anh cho biết lựa chọn lĩnh vực nghĩ là tốt nhất để tham gia mà không dàn trải. Bất động sản là lĩnh vực ngân hàng ưu tiên, ngân hàng có lợi thế, thị trường phát triển nhanh. Với mảng này, ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro và định hướng về hoạt động kinh doanh. Đến nay, các kết quả cho thấy lựa chọn này là hợp lí trong những năm qua.


Quốc Thụy