Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Một mã tăng gần 23%, VPB dẫn đầu về thanh khoản
EIB dẫn đầu tăng giá, VPB quán quân thanh khoản
Tuần qua (12/12 - 16/12), sắc xanh chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 17 mã tăng giá, 9 mã giảm và một mã đứng tham chiếu.
Tâm điểm của tuần này là cổ phiếu EIB của Eximbank, đứng đầu toàn ngành với mức tăng gần 23%. Cổ phiếu này đã có 2 phiên đầu tuần tăng kịch trần và một phiên sau đó gần sát trần. Kết tuần, EIB đạt mức giá 27.400 đồng/cp, thoát ra khỏi vùng giá đáy hơn một năm trước. Đây cũng là mã ngân hàng duy nhất có mức tăng 2 chữ số tuần vừa qua.
Xếp sau EIB và VPB với mức tăng 9,5%, kết tuần tại 18.500 đồng/cp. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác cũng có diễn biến tích cực trong tuần như MBB, TCB, VCB, HDB, ... với mức tăng dao động từ 2 - 3%.
Ở chiều ngược lại, tính chung cho 5 phiên giao dịch, KLB của Kienlongbank đã giảm 10%, xuống còn 15.200 đồng/cp. Riêng phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã giảm mạnh 9%.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự điều chỉnh trong tuần này với tổng cộng gần 943 triệu đơn vị được giao dịch, giảm 17% so với tuần trước đó, tương đương với giá trị giao dịch đạt 18.220 tỷ đồng.
Vị trí dẫn đầu về thanh khoản toàn ngành đã có sự thay đổi khi cổ phiếu VPB được giao dịch "sôi động" trong tuần qua. Cụ thể, trong 5 ngày, có hơn 180 triệu cp VPB được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt 3.187 tỷ đồng, mức cao nhất toàn ngành. Con số này bỏ xa mức 2.575 tỷ của STB và 2.177 tỷ của TCB đứng sau đó.
Trong phiên 15/12, trên thị trường khớp lệnh, đã có hơn 65 triệu cp VPB được giao dịch, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 140 tỷ đồng CTG và tiếp tục mua ròng 66 tỷ đồng STB. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng STB trong 3 tuần liên tiếp. Riêng 2 tuần trước đó đã mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm tự doanh mua ròng 12 tỷ đồng EIB và VPB; ngược lại, bán ròng 55 tỷ đồng VCB và 32 tỷ đồng ACB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 8728/NHNN yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước.
VNBA vừa có công văn kiến nghị Thống đốc NHNN một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023. Đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm.
Đại hội đồng cổ đông HDBank thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế với số phiếu tán thành đạt tỷ lệ 79,3 %.
Thêm ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Từ ngày 16/12/2022, Sacombank giảm 1% lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng, VPB giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm từ ngày 15/12.
NHNN tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở lên 5%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023. Trước đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.