|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thêm ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay

21:31 | 15/12/2022
Chia sẻ
Chiều 15/12, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm.

 Hội sở VPBank. (Ảnh: VPB). 

Chiều 15/12, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm.

Theo đó, VPBank áp dụng cơ chế giảm lãi suất cho vay ở cả kỳ hạn vay ngắn và trung, dài hạn đối với các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.

VPBank kỳ vọng mức lãi suất ưu đãi sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh, giúp doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp SME phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng chính sách giảm trừ lãi suất 1%/năm trên mức lãi suất áp dụng tại quyết định ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo của ngân hàng.

Trước VPBank, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân trong mùa kinh doanh cuối năm, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng chủ động giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng được triển khai.

Đặc biệt, "làn sóng" giảm lãi suất cho vay còn có sự nhập cuộc của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với mức giảm dao động từ 1 - 1,5%/năm.

 

Ngoài ra, cũng có một ngân hàng "ngoại" giảm lãi suất vay. Cụ thể, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam công bố hai gói lãi suất vay cạnh tranh, áp dụng cho cả khoản vay bằng USD và VND.

Đối với gói vay VND, kể từ ngày 8/12/2022 đến ngày 31/12/2022, các khách hàng doanh nghiệp (bao gồm khách hàng hiện tại có giao dịch vay tại Ngân hàng Shinhan và khách hàng mới) được giảm từ 0,9%/năm đến 1,3%/năm tùy vào thời hạn vay.

Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Ngân hàng Shinhan cũng đồng thời giảm 0,6%/năm lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng.

Thông tin từ Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước lưu ý giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung, song cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân…

"Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Lê Phương