|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng liên tục trượt dốc, đại gia cao su GVR vào top 10 vốn hóa HOSE

09:11 | 01/09/2021
Chia sẻ
Thế thống trị của nhóm ngân hàng tại HOSE đã giảm sút sau thời gian diễn biến tiêu cực, một số cái tên mới như MSN, GVR đã nổi lên và gia nhập top 10 vốn hóa.

Phiên 31/8, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bật tăng 3,1% lên mức giá 38.750 đồng/cp, sát với đỉnh lịch sử thiết lập hai tuần trước. 

GVR cũng là cổ phiếu nâng đỡ thị trường mạnh mẽ nhất trong ngày 31/8, giúp VN-Index có thêm 1,24 điểm. Vốn hóa cuối phiên đạt 155.000 tỷ đồng, xếp thứ 10 sàn HOSE.

Nếu xét trên toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hóa của GVR xếp thứ 11 do có thêm sự góp mặt của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) tại UPCoM với giá trị thị trường 168.700 tỷ.

Để có thể gia nhập top 10 vốn hóa HOSE, GVR đã trải qua quá trình tăng trưởng đáng kể. Cổ phiếu cao su này hiện có giá cao hơn 15% so với nửa tháng trước, 29,4% so với đầu năm và 227% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cổ phiếu ngân hàng liên tục trượt dốc, đại gia cao su GVR vào top 10 vốn hóa HOSE - Ảnh 2.

Trong khung thời gian một năm và 15 phiên gần đây, GVR đều tăng mạnh nhất top 10 vốn hóa HOSE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên mới được công bố, GVR ghi nhận lãi sau thuế 2.282 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng 171% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu thuần tăng 77% lên hơn 10.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân là giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng. Ngoài ra, doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp cũng có cải thiện. 

Cổ phiếu ngân hàng liên tục trượt dốc, đại gia cao su GVR vào top 10 vốn hóa HOSE - Ảnh 3.

Tròn ba tháng trước, vào ngày 31/5, trong top 10 vốn hóa tại HOSE có tới 5 cổ phiếu ngân hàng là VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank, BID của BIDV, TCB của Techcombank và VPB của VPBank.

Đến ngày 31/8, CTG và VPB đã tụt xuống nhóm sau do giá cổ phiếu điều chỉnh. Hai thành viên thế chỗ trong top 10 là GVR như đã nói ở trên và MSN của Tập đoàn Masan.

Thống kê từ 27 cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy có tới 23 mã giảm vốn hóa so với ba tháng trước, ba mã đi lên, một mã không có dữ liệu so sánh.

Nhiều cổ phiếu lao dốc trên 20%, thậm chí hơn 30% so với phiên 31/5 như: BAB, CTG, BID, VIB, EIB, BVB, KLB, SGB.

Cổ phiếu ngân hàng liên tục trượt dốc, đại gia cao su GVR vào top 10 vốn hóa HOSE - Ảnh 4.

VAB mới giao dịch UPCoM từ ngày 22/7 nên không có dữ liệu so sánh ba tháng trước.

Tổng vốn hóa ngành ngân hàng tại ngày 31/8 là trên 1,7 triệu tỷ đồng, giảm hơn 184.000 tỷ so với ngày 31/5. VietinBank, BIDV, VIB, Techcombank và VPBank là những nhà băng có giá trị niêm yết lao dốc nhiều nhất, tính theo số tuyệt đối.

Tỷ trọng vốn hóa ngành ngân hàng so với toàn thị trường cũng giảm từ xấp xỉ 29% hồi cuối tháng 5 xuống còn 25,4% ngày cuối tháng 8. 

Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn là nhóm có ảnh hưởng lớn nhất tới các chỉ số thị trường. VN-Index và VN30-Index muốn hồi phục và phá các đỉnh cũ thì khó có thể thiếu sự tham gia của các cổ phiếu vua này.

Đức Quyền - Song Ngọc