|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép còn nóng nửa cuối năm 2021?

21:00 | 15/07/2021
Chia sẻ
Với nhóm ngân hàng, chuyên gia SSI Research cho rằng tốc độ tăng trưởng của ngành có thể cân bằng hơn và không còn quá mạnh mẽ như thời điểm đầu năm. Đối với ngành thép, NĐT đang chốt lời để thu về một phần lợi nhuận sau giai đoạn tăng nóng.

Trong chương trình trực tuyến "Bật mí phương pháp Đầu tư chứng khoán" ngày 14/7, các chuyên gia Trung tâm phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Reseach) đã chia sẻ về bức tranh tăng trưởng tại ba nhóm cổ phiếu tăng nóng nửa đầu năm 2021 là ngân hàng, chứng khoán và thép.

Nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng nhưng sẽ cân bằng hơn

SSI Research nhận định bức tranh cổ phiếu "bank, chứng, thép" nửa cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng đáng kể từ đầu năm. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp đến ngày 15/7/2021).

Theo chuyên gia của SSI Research, ngành ngân hàng hiện đóng góp tới 34% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Theo thống kê đến hết ngày 15/7, có tới 25/26 cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng trưởng so với thời điểm đầu năm 2021, với mức tăng bình quân là 51,66%.

Cụ thể, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng mạnh nhất với 123,4%. Theo sau, nhiều mã ghi nhận mức tăng trên 90% bao gồm NVB (90%), VIB (94%), VPB (96,9%), SSB (100%). Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, CTG và VCB đều đồng loạt tăng nhẹ, trong khi BID là cổ phiếu duy nhất giảm 10,8% so với đầu năm sau những phiên biến động đột ngột trên thị trường trong đầu tháng 7.

Thống kê của SSI Research cho thấy phần lớn các nhà băng tăng trưởng lợi nhuận từ 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank (Mã: VCB) mới đây công bố mức lãi trước thuế khủng 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Vietinbank (Mã: CTG) cũng ước tính lợi nhuận đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2020. 

Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn cũng đi kèm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng những thông tin tích cực này đã được phản ánh vào biến động giá cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm. 

Trong 6 tháng tới, tốc độ tăng trưởng của ngành có thể cân bằng hơn và không còn quá mạnh mẽ như thời điểm đầu năm. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra mức định giá và kỳ vọng phù hợp.

Ngành chứng khoán hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường

SSI Research nhận định bức tranh cổ phiếu "bank, chứng, thép" nửa cuối năm 2021 - Ảnh 2.

Thay đổi giá cổ phiếu chứng khoán từ đầu năm 2021. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp đến ngày 15/7/2021).

Cùng với nhóm ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán nổi sóng tăng mạnh nửa đầu năm 2021. Thống kê 6 tháng đầu năm, số lượng tài khoản nhà đầu tư F0 mở mới tăng cao kỷ lục cùng thanh khoản bùng nổ giúp VN-Index liên tục phá vỡ nhiều vùng đỉnh lịch sử. Mặc dù trải qua nhịp chỉnh mạnh, chỉ số đóng cửa phiên 15/7 ở mức 1.293,92 điểm, tăng mạnh 180,15 điểm so với phiên mở cửa năm 2021 (tương ứng 16,2%).

Hưởng lợi từ diễn biến sôi động trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh khả quan ở cả mảng môi giới và tự doanh. Chứng khoán Everest (Mã: EVS) mới đây đã báo lãi 178 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 47 lần cùng kỳ. Trong khi đó, Chứng khoán Techcombank (TCBS) ước tính doanh thu quý 2/2021 là 1.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỉ đồng. 

Theo ghi nhận, EVS là mã tăng mạnh nhất nhóm chứng khoán với mức tăng lên đến 277%. Nhiều cổ phiếu tăng trên 100% phải kể đến MBS (237%), APS (184%), ART (172%), VDS (135%), FTS (131%). Nhóm chứng khoán tăng trưởng vượt bậc kể từ đầu năm với mức tăng bình quân là 87,64%.

Theo chuyên gia của SSI Research, NĐT có thể tự đánh giá kỳ vọng của các công ty chứng khoán năm 2021. Các vị chuyên gia khuyến nghị NĐT có thể mua giá thấp bán giá cao theo xu thế thị trường trong ngắn hạn, hoặc nắm giữ dài hơi khi thị trường hồi phục.

NĐT thực hiện chốt lời cổ phiếu thép trong ngắn hạn

SSI Research nhận định bức tranh cổ phiếu "bank, chứng, thép" nửa cuối năm 2021 - Ảnh 3.

Diễn biến giá một số cổ phiếu thép từ đầu năm 2021. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp đến ngày 15/7/2021).

Với nhóm doanh nghiệp phi tài chính, sóng cổ phiếu thép trở thành tâm điểm của thị trường. Kể từ cuối năm 2020 đến tháng 5/2021, giá thép tăng trưởng tốt cùng nhu cầu xây dựng hồi phục giúp lợi nhuận kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành tăng phi mã. 

Theo BCTC quý II/2021, Thép Nam Kim đạt hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Dù chưa công bố BCTC,  những doanh nghiệp đầu như Hòa Phát hay Hoa Sen cũng dự kiến thu về lãi khủng. 

Tuy vậy, Chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng kết quả này đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu khi NĐT liên tục mua ròng cổ phiếu thép kể từ cuối năm 2020. Giá cổ phiếu ngành thép đã tăng trung bình 75% kể từ đầu năm. Trong đó hai ông lớn HPG, HSG đều có mức tăng mạnh. 

Khác với hai ngành trên, nhóm cổ phiếu thép vẫn có P/E thấp hơn so với nhóm tăng trưởng như ngân hàng, chứng khoán bởi tính chu kỳ. Theo SSI Research, sau giai đoạn tăng trưởng tốt, cổ phiếu thép thường bước vào chu kỳ giảm. Do đó, các NĐT sẽ có động thái chốt lời trong ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu này để thu về một phần lợi nhuận.

Thảo Bùi